Một tàu chiến Trung Quốc đã đối diện với tàu hải quân Ấn Độ ngay sau khi con tàu rời vùng biển của Việt Nam cuối tháng 7. Đây được cho là vụ chạm trán đầu tiên giữa hải quân hai nước tại Biển Đông. 

Theo Thời báo Tài chính (Anh), 5 người biết rõ vụ việc này nói rằng, tàu chiến không nhận dạng được của Trung Quốc đã yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ mang tên INS Airavat phải tự nhận dạng và giải thích sự hiện diện tại vùng biển quốc tế ngay sau lúc nó hoàn thành một chuyến thăm cảng ở Việt Nam.

Tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ, INS Airavat. Ảnh: defencetalk

Tờ báo nhận định, đây là ví dụ mới nhất cho thấy sự quả quyết ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc. Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines. Trong đó, Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền lớn nhất thông qua việc tự đưa ra bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết vùng biển giàu tài nguyên dầu khí này.

“Hải quân của bất kỳ nước nào trên thế giới đều được tự do qua lại ở những vùng nước này hoặc các vùng biển cả”, một quan chức Ấn Độ nắm rõ vụ chạm trán nói. “Bất kỳ quốc gia nào tuyên bố quyền sở hữu hoặc đặt câu hỏi về quyền qua lại của một quốc gia khác là không thể chấp nhận được".

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ hiện chưa có bình luận nào về vụ việc này.

Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh biển, đặc biệt là chiến lược tiếp cận Ấn Độ Dương đã đặt ra các quan ngại an ninh tại New Delhi.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông trở nên căng thẳng trong vài tháng gần đây. Cả Philippines và Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối hành động gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng đã thu hút sự chú ý của Washington. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm ngoái đã chọc giận Bắc Kinh khi tuyên bố nước này có một "lợi ích quốc gia" trong tự do hàng hải ở Biển Đông và đề xuất đứng ra làm trung gian các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp.

Thái An (theo FT)

Khi Biển Đông minh chứng đa cực theo nghĩa quân sự
Không riêng chỉ vị trí và dự trữ năng lượng khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chính lược then chốt, mà còn là ở những tranh chấp lãnh thổ tồn tại lâu dài xung quanh vùng biển này.
 
Trò đố chữ ở Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục trì hoãn những nỗ lực đa phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
 
Báo Anh: Mỹ triển khai tàu chiến tàng hình đến Biển Đông
Tờ Sunday Times đưa tin, Mỹ đang triển khai các tàu chiến tàng hình thế hệ mới, tốc độ cao, đến các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông.
 
Báo Hàn Quốc: TQ sẽ đưa tàu sân bay đến Biển Đông
Tờ Chosun Ilbo đưa tin, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động vào dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này 1/8 năm tới.