Báo chí phán ánh hơi thở cuộc sống

Chia sẻ về sứ mệnh của báo chí, nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, sứ mệnh của báo chí trước hết là phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhà báo phải đặt mình trong khung cảnh đất nước để ra sức ủng hộ đường lối, chủ trương phát triển của Đảng, nhưng không nên nói cái gì cũng nói tốt, ca ngợi một chiều thì sẽ không đi vào lòng dân.

“Phải nói có tính thuyết phục, nói cái hay, cái đẹp, nói những cái Đảng và Nhà nước cần bổ sung, tức nói về yếu kém và khuyết điểm thì phải thật đúng mức”, ông nhấn mạnh.

Báo chí cách mạng phải giữ vững được bản lĩnh chính trị của mình, nói cho được, truyền đạt cho được những tư tưởng cơ bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Đồng thời phải đi vào thực tế cuộc sống để xem thử đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào trong cuộc sống cái gì tốt, cái gì không tốt thì phản ánh lại.

Đặc biệt, báo chí phải phản ánh cuộc sống, nhưng cuộc sống có cả mặt tốt và không tốt. Báo chí nếu làm đúng chức năng của mình thì phải lấy cái tốt để khắc phục cái xấu, chứ không phải báo chí chỉ đưa lên mặt xấu.

{keywords}
Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp

Nhà báo Hà Đăng kể, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói, báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới xanh lên được.

Vì thế, ngoài việc chống tiêu cực thì còn phải biểu dương, cổ vũ nhân tố tích cực, những gương điển hình tốt của cá nhân và tập thể xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước, mặt đẹp và tốt vẫn phải là chủ đạo.

Không để mạng xã hội dẫn dắt

Tâm sự về điều cần có ở một người làm báo, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ, nhà báo phải hội tụ đủ 3 yếu tố.

Thứ nhất là nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ hai là có năng lực nắm bắt thực tiễn, lăn lộn trong cuộc sống, tức là có vốn sống. Và, cuối cùng là phải có chính kiến cá nhân, dám nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, đưa lên mặt báo những gì mà cuộc sống đang cần.

Ba yếu tố đó có mối quan hệ hài hoà, muốn có yếu tố thứ 3 thì phải có 2 yếu tố đầu, nếu không cái gọi là bản lĩnh sẽ trở thành tác phong gàn dở, cực đoan và vì chủ quan mà đưa ra những quyết định không chính xác.

Hiện nay mỗi cơ quan báo chí lớn đều có tới 4, 5 ấn phẩm, ngoài ra còn có sản phẩm điện tử. Nhiều cơ quan báo chí hoạt động như một tập đoàn báo chí.

Nếu không làm giỏi, sẽ không thể đứng vững. Một số tờ báo làm kinh tế khá tốt, không những tự trang trải mà còn đóng góp cho cơ quan chủ quản.

Vì thế, việc phê phán khuynh hướng thương mại hoá báo chí hoàn toàn không có nghĩa là phê phán việc báo chí cạnh tranh để có nhiều bài tốt, hấp dẫn bạn đọc, làm cho báo bán chạy, tăng được số lượng phát hành, kích thích nhu cầu đọc của xã hội, cũng không có nghĩa là phê phán làm kinh tế báo một cách chính đáng, hợp pháp.

Điều phê phán ở đây là khuynh hướng xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo, lảng tránh các vấn đề chính trị, xã hội cần thiết cho cuộc sống, chạy theo thị hướng tầm thường của một bộ phận bạn đọc. Muốn làm được thì người phóng viên phải nhận định được vai trò, chức trách của mình để làm cho đúng.

Ngày nay sự tác động của mạng xã hội đến đời sống của con người rất lớn và có tính hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực.

Vì vậy, báo chí chính thống phải giữ vững quan điểm của báo chí, đó là phải có tác động ngược vào mạng xã hội, chứ không phải bị mạng xã hội dẫn dắt. Phải tỉnh táo, đề phòng tất cả mặt tiêu cực của mạng xã hội để có bài viết chính thống, để uốn nắn chứ không phải chạy theo.

Thanh Hải