Truyền thông xã hội là thách thức mà báo chí đang phải đối mặt

Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí đang phải đối mặt với sự tác động to lớn của truyền thông xã hội, điều này đặt ra không ít thách thức cho các nhà báo trước vấn nạn tin giả.

Truyền thông xã hội là một trong những cách thức truyền thông mới. Hiện vẫn chưa hình thành một nhận thức chung về truyền thông xã hội, song yếu tố xã hội được coi là khái niệm then chốt. Nhân vật chủ chốt trong truyền thông xã hội chính là các cư dân mạng hay các user.

{keywords}
Hội thảo "Báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội và vấn nạn tin giả" do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức. Ảnh: Trọng Đạt

Khác với cổng thông tin điện tử, truyền thông xã hội là diễn đàn để các cư dân giao lưu, chia sẻ thông tin và sản xuất nội dung. Truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể chia sẻ giữa 2 hoặc nhiều cá nhân và được lưu truyền một cách nhanh chóng mặt.

Xét từ phương diện nội dung, bản chất truyền thông xã hội là mối liên hệ giữa các cá nhân, mang tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức. Đây là sự khác biệt giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống nơi mà các cơ quan báo chí giữ vai trò hạt nhân kết nối và truyền tải thông tin.

Theo ông Hồ Quang Lợi, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí, thậm chí làm đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay.

Trước kia, môi trường truyền thông truyền thống có những tiêu chuẩn mang tính chiến lược về giá trị nội dung của thông tin và tin tức. Đó phải là những thông tin mang tính thời sự, có tác động lớn đến kinh tế xã hội. Đối với những tin giải trí, giật gân, bạo lực, chúng được xếp vào loại phi tin tức hay ít có giá trị. Điều đó khiến báo chí truyền thống có thể sử dụng tiêu chuẩn giá trị thông tin để tạo ra sự khác biệt nhằm lôi kéo công chúng.

{keywords}
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Sự xuất hiện của truyền thông xã hội đã làm thay đổi luật chơi. Công chúng với sự hẫu thuẫn của truyền thông xã hội đã có những lựa chọn mới. Ông Lợi cho rằng, trong môi trường truyền thông mới, cái được gọi là phi tin tức đã trở thành làn sóng mới, chi phối việc lựa chọn biên tập và xuất bản của cơ quan báo chí truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại.

Báo chí phải vạch trần tin giả bằng sự chuẩn mực và trách nhiệm

Tin tức xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống do được đăng tải rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn nạn tin giả đang hoành hành khắp nơi, tác động đến tâm lý chung của công chúng. Điều này khiến các cơ quan quản lý báo chí lúng túng trong việc xử lý thông tin.

Tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, như những dòng trạng thái bàn chuyện ô nhiễm tại một địa phương nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia bán cầu từ rất lâu trong quá khứ. Tin giả còn có thể đến từ việc một bức hình của quan chức được gắn kèm theo đó một phát ngôn gây sốc. Nhiều cư dân mạng chia sẻ và bình luận mà không quan tâm nội dung đó có bị xuyên tạc hay không.

Theo ông Hồ Quang Lợi, phải quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả bởi vấn nạn nay ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính cơ quan báo chí và các nhà báo.

{keywords}
Báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, công chúng mạng không phải là sự tồn tại mang tính thực thể mà do có chung ý kiến quan điểm về một số hiện tượng xã hội. Nhóm này thường không ổn định, có thể tập chung khi có chung ý kiến hoặc giải tán khi không cùng chung ý kiến.

Trong kỷ nguyên số, nơi mà thông tin quá nhanh, lan tỏa quá sâu rộng, báo chí rất cần những luồng thông tin chính xác để kịp thời định hướng dư luận xã hội, lấn át những thông tin ố tạp trên Internet, từ đó có thể chiếm lĩnh được không gian ảo trên môi trường truyền thông.

Theo ông Hồ Quang Lợi, tin giả giống như một bệnh dịch đang tìm cách len lỏi và phát tán trong cộng đồng, xuyên tạc và gây hoang mang trong dư luận xã hội. Bởi vậy, báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng cần có nghĩa vụ vạch trần tin giả, những thông tin bóp méo sự thật.

Báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo. Sự tin cậy, tính thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỹ thuật số.

Trọng Đạt