Báo chí là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa DN và Nhà nước

Tại diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” tổ chức sáng 24/10, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp (DN).

Theo ông Lê Quốc Minh, thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và các sản phẩm của DN trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tình yêu và sự tin dùng với hàng Việt Nam, góp phần hỗ trợ sự phát triển DN nước nhà.

Đồng thời góp phần phản ánh những thông tin từ xã hội nói chung, người tiêu dùng trong nước nói riêng tới DN, nhằm giúp DN tiếp cận thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

73d9b18c0fe4b7baeef5.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân: Báo chí trở thành tiếng nói độc lập giúp DN phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế. Ảnh: Quang Phúc

Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhấn mạnh vai trò của báo chí là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa DN và Nhà nước. Báo chí trở thành tiếng nói độc lập giúp DN phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế… Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - DN luôn là đồng hành, cùng phát triển cho dù còn tồn tại một số bài báo thiếu khách quan, chưa hỗ trợ được nhiều cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Và ngược lại, cũng có không ít DN dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, hàng năm có hơn 40 triệu tin bài riêng trên hạ tầng điện tử, hàng trăm triệu tin bài được đăng tải trên không gian mạng, trong đó có rất nhiều thông tin về kinh tế, về DN.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, báo chí trước đây, bây giờ và về sau này vẫn sẽ là lực lượng thông tin chủ lực, dòng chính tham gia phản biện xã hội, cung cấp thông tin, cung cấp tri thức, và thậm chí tham gia vào quy trình ra quyết định của các cá nhân, các tổ chức.

cbafeb1397732f2d7662.jpg
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT: Có sự không tương xứng giữa kỳ vọng vào vai trò đóng góp xã hội của báo chí và những khó khăn mà báo chí nhiều khi phải đơn độc đối mặt và tự giải quyết. Ảnh: Quang Phúc

“Sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội mang lại nhiều phương thức sáng tác cho người dân, mang lại nhiều lựa chọn khác về vấn đề quảng bá thương hiệu, lan tỏa các thông tin nhưng dòng chủ lưu, dòng chính vẫn sẽ là báo chí”, ông Lâm chia sẻ.

Báo chí và vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, thực hiện sứ mệnh của mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu báo chí giảm sút, vừa phải đảm bảo hoạt động. Người dân giờ không mua báo in như ngày xưa, mà đọc báo miễn phí, đổi lại là họ xem quảng cáo. Và quảng cáo cũng có nhiều kênh khác.

2c6d7d47a72b1f75463a.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Lâm, có sự không tương xứng giữa kỳ vọng vào vai trò đóng góp xã hội của báo chí và những khó khăn mà báo chí nhiều khi phải đơn độc đối mặt và tự giải quyết. Điều đó dẫn đến câu chuyện là trong quá trình cùng là phục vụ xã hội và qua đó tìm kiếm lợi nhuận nhưng nhiều khi 2 lực lượng này lại có những xung đột, dẫn đến một số những sự việc đáng tiếc, thiệt hại cho cả 2 phía.

Hiện có những tập đoàn rất lớn nhưng chưa quan tâm nhiều tới hoạt động truyền thông cho DN của mình, về các sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN làm tốt mối quan hệ với báo chí, có tầm nhìn dài hạn về việc này.

Theo ông Lâm, cần nhìn lại các giải pháp để xác định lại mối quan hệ giữa báo chí và DN, xây dựng nền tảng vững chắc, lành mạnh hơn, hợp tác với nhau một cách hợp lý hơn. DN và báo chí cùng hỗ trợ nhau đưa ra những sản phẩm dịch vụ tốt cho xã hội. Trong đó, bản thân báo chí, dịch vụ thông tin phải có sản phẩm chất lượng cao, cần đầu tư rất lớn dựa trên công nghệ, phương tiện, hình thức thể hiện. Các cơ quan báo chí không thể đơn phương làm được mà cần có quan hệ đồng hành với DN mà ở đó lợi ích được trao đổi một cách sòng phẳng, minh bạch.

Tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá chia sẻ, Tuần Việt Nam là chuyên mục gắn kết báo chí - chuyên gia và DN và được VietNamNet duy trì gần 20 năm nay. Thông qua Tuần Việt Nam, các ý kiến phân tích, phản biện về chính sách kinh tế, trong đó có tiếng nói của DN đã được VietNamNet chuyển tải tới các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Bá, trong tương quan với DN, VietNamNet luôn đặt ra 2 góc nhìn. Trước tiên, DN là độc giả tinh hoa và khó tính. Vì vậy, thông tin liên quan đến kinh tế và hoạt động DN luôn được xem xét kỹ lưỡng. Luôn đòi hỏi chính xác và khách quan.

2862b440cc2c74722d3d.jpg
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo VietNamNet: "Trong mối quan hệ giữa báo chí và DN, cả 2 bên nên thẳng thắn và hướng tới sự tích cực”. Ảnh: Quốc Tuấn

Ở mối tương quan thứ hai, DN là đối tác. DN là đối tác ở 2 phương diện. Đó là nguồn thông tin thực tiễn về đời sống kinh tế, nhưng đồng thời DN chính là người sử dụng dịch vụ của báo, là những đối tác truyền thông quảng cáo, đóng góp rất lớn kinh phí hoạt động của báo.

"Khi đưa thông tin về doanh nghiệp, nhất là thông tin tiêu cực, ở VietNamNet có những tranh luận khá căng thẳng. Câu hỏi được VietNamNet đặt ra là, thông tin tiêu cực được nêu trên báo ảnh hưởng thế nào đến DN? Còn nếu không đưa thì người dân, khách hàng có bị thiệt hại hay không”, ông Bá chia sẻ.

“Chúng tôi gặp những tranh luận đó rất nhiều. Bộ phận kinh doanh nói, thông tin xấu quá, DN đang rất khó khăn. Nhưng một số bộ phận khác lại cho rằng, nếu không đưa thông tin chính xác khi người dân sẽ không có đủ thông tin khi quyết định sử dụng dịch vụ của DN, thì trách nhiệm chúng ta ra sao? Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo sự hài hòa trong đưa thông tin về DN và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Bá cho biết.

Tại VietNamNet, bất kể thông tin gì phải kiểm tra thông tin hai chiều, có ý kiến DN. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sẵn sàng trả lời, như vậy khá là khó khăn. VietNamNet luôn đặt ra mục tiêu "đưa tin hướng đến sự tích cực", nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được một cách triệt và có được sự đồng thuận từ phía DN. 

Tổng Biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá bày tỏ, trong mối quan hệ giữa báo chí và DN, cả 2 bên nên "thẳng thắn và hướng tới sự tích cực”.

Báo chí thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Phát biểu tại Diễn đàn PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh, thông tin báo chí có thể tăng cường nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn, đồng thời mở rộng tệp khách hàng mới.

Báo chí còn giúp doanh nghiệp nắm bắt các ý tưởng kinh doanh, cơ hội mới cũng như các chính sách của Nhà nước về xanh hóa, số hóa và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Thông tin tích cực từ báo chí có thể củng cố niềm tin của khách hàng và đối tác đối với doanh nghiệp, đồng thời tạo áp lực lên các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, chân chính.

“Về vấn đề an toàn thực phẩm, sau khi báo chí đưa vụ việc sử dụng phụ gia độc hại trong sản xuất bún phở, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã phải làm bài bản hơn như công khai quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng, xin chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, sau vụ Formosa xả thải, các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chuyển đổi công nghệ sạch, định kỳ công bố báo cáo môi trường, mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường...”, ông Tuấn nêu ví dụ.

Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, cho biết, Hiệp hội luôn xác định vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển cộng đồng các nhà sáng lập doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

“Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình này khi các kênh thông tin truyền thông đã tạo nên môi trường kinh doanh trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Có thể nói, báo chí và doanh nghiệp có tác động tương hỗ, cộng sinh. Báo chí đang ngày một thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp” – ông Đinh Việt Hoà nhấn mạnh.