Chiều 22/11, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ông Irineo Cruz Espino, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Philippines lần thứ 5.

Tại đối thoại, hai bên chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực; đánh giá cao vai trò của khu vực và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, khẳng định cùng nhau nỗ lực đóng góp tích cực vào việc tăng cường, củng cố sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Hai bên cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cam kết và thực thi tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và xúc tiến sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

biendong.png
Ảnh minh hoạ

Trong thời gian qua, Philippines liên tục đưa tin về các sự cố va chạm với Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là những diễn biến được cho sẽ gây bất lợi đối với tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại một sự kiện truyền hình trực tuyến ở Hawaii ngày 20-11, Tổng thống Philippines Marcos cho biết căng thẳng ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và láng giềng để duy trì hòa bình tại vùng biển này.

Ông cho biết Philippines vẫn đợi một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng tiến độ hiện nay rất chậm chạp.

Việc này khiến Philippines phải tiếp cận các nước thành viên ASEAN như Việt Nam và Malaysia, vốn có tranh chấp với chính Manila, để quản lý hiệu quả các trường hợp căng thẳng.

"Chúng tôi đã triển khai sáng kiến tiếp cận các nước khác trong ASEAN vốn đang có xung đột lãnh thổ. Việt Nam là một trong số ấy, và Malaysia nữa, nhằm tạo ra bộ quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi. Hy vọng điều này sẽ phát triển và mở rộng đối với các nước ASEAN khác", Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines.

Ba nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở một số khu vực Biển Đông, nhưng thời gian qua vẫn ghi nhận nhiều nỗ lực đối thoại, đảm bảo duy trì hòa bình. "Bộ quy tắc" này dĩ nhiên không đồng nghĩa với COC, một thỏa thuận đang bị đánh giá chậm tiến độ, khúc mắc ở một số điểm như phạm vi bao quát hoặc tính ràng buộc pháp lý. Trung Quốc cũng có những tín hiệu khẳng định nước này muốn thúc đẩy đàm phán COC.

Cuối tháng 2 năm, trong cuộc gặp tại Jakarta, Indonesia (Indonesia là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN), các quan chức Indonesia và Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được tăng cường trong năm nay.

Tới Hội nghị ASEAN+1 giữa ASEAN với Trung Quốc tại Jakarta (Indonesia) ngày 13/7. 

Các bên cũng hài lòng ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC ở Biển Đông. Trong đó có việc kết thúc vòng đọc văn kiện lần thứ hai và thông qua tài liệu hướng dẫn thúc đẩy sớm hoàn tất COC thực chất và hiệu quả. 

Hiện Myanmar đang giữ vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (2021 - 2024). Tuy nhiên do các diễn biến phức tạp tại Myanmar và dịch COVID-19, quá trình đàm phán COC đã đối mặt với một số khó khăn.

Năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý hợp tác hướng tới tạo ra COC. Tuy nhiên phải mất 15 năm trước khi triển khai các bước để tạo ra khuôn khổ cho các cuộc đàm phán.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV