- Từ năm 2016 nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM sẽ rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập TPP, ô tô giảm thuế tràn vào sẽ làm xe cá nhân còn tiếp tục tăng cao, trong khi giao thông lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá tại Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự, ATGT tại Hà Nội diễn ra sáng nay (8/12).

Gần 700 vụ ùn tắc giao thông

Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết: trong năm qua cả nước có hơn 700 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, trong đó trên 600 vụ xảy ra ở Hà Nội và TP.HCM.

Cho rằng ùn tắc giao thông là hệ lụy tất yếu của việc phân bố dân cư không đều tại 2 TP lớn nhất nước, ông Trần Sơn Hà phân tích: Hà Nội có khoảng 7 triệu dân nhưng người lưu hành thực tế khoảng 10 triệu, TP.HCM dân số theo hộ khẩu khoảng 8 triệu nhưng lưu lượng lưu hành lên tới 11-12 triệu người. Cảng Cát Lái một ngày có tới 16.000 xe tải trọng lớn ra vào, rất khó tránh tình trạng ùn tắc.

Dân số và phương tiện tập trung quá đông, trong khi đất dành cho giao thông chỉ chiếm hơn 10% (tiêu chí đất dành cho giao thông Hà Nội và TP.HCM là 25% - PV) nên dự báo từ năm 2016 nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM sẽ là rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập TPP phương tiện cá nhân sẽ còn tiếp tục tăng, trong khi giao thông lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

{keywords}

Phó Thủ tướng: 9.000 người chết vì TNGT mỗi năm vẫn còn quá cao.

Cho rằng Hà Nội đang chịu áp lực lớn từ ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP bày tỏ, để giảm ùn tắc, ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương tham gia giao thông, về lâu dài cần phải phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, nhất là đường sắt đô thị để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Cùng với đó Hà Nội cũng hạn chế xây nhà cao tầng trong nội thành, di dời nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô để giảm áp lực giao thông đô thị. Có như thế mới giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông nội thành Hà Nội.

Đánh giá công tác giảm ùn tắc giao thông tại các TP lớn đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội và TP.HCM cần phải tăng cường quản lý đô thị tốt hơn, đặc biệt phải có biện pháp mạnh không để nhà cao tầng mọc lên phá vỡ quy hoạch đô thị của 2 thành phố.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng, Cần Thơ... cũng cần có giải pháp lâu dài chống ùn tắc vì các TP này thời gian gần đây cũng bắt đầu xuất hiện ùn tắc giao thông trong nội thành giờ cao điểm.

Số người chết vì TNGT còn quá cao

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong năm 2015 dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều vụ TNGT chết người, số người chết vẫn còn lớn (9.000 người).

“Một đất nước hòa bình mà để chết tới 9.000 người/năm vì TNGT là vẫn còn rất cao. Các địa phương phải tổ chức đánh giá tìm biện pháp căn cơ để kéo giảm số người chết vì TNGT xuống còn 5.000 người/năm trong giai đoạn 2016-2020”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá, xe quá tải đã giảm 85% nhưng còn 15% tàn phá đường, đây chính là mầm mống của tiêu cực gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, các ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều có những vi phạm.

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT ông Phúc cho rằng, bên cạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng trong từng đoàn thể, gia đình, người dân thì tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm rất quan trọng để răn đe.

“Các tỉnh có điều kiện giống nhau nhưng hình phạt khác nhau. Chúng ta không khuyến khích các tỉnh xử phạt nhiều nhưng do ý thức quá kém nên phải tăng cường, phải làm mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Theo báo cáo của Cục CSGT và Cục Hàng hải VN, trong 5 năm (tính từ 16/11/2010 đến 15/10/2015), toàn quốc xảy ra 158.125 vụ TNGT (không xảy ra TNGT hàng không) làm chết 48.015 người, bị thương 162.058, giảm 34.835 số vụ, giảm 12.393 số người chết và giảm 46.583 số số người bị thương.

Vũ Điệp