Theo tờ Natural News, từ năm 2008 đến năm 2017, Sở Y tế và Vệ sinh Tâm thần Thành phố New York (Hoa Kỳ) đã tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát tại hàng loạt các cửa hàng địa phương. Đồng thời, thử nghiệm khoảng hơn 3.000 mẫu sản phẩm tiêu dùng về mức độ chì.
Thống kê của cơ quan này cũng cho thấy, gần 40% các sản phẩm thử nghiệm là các loại gia vị và hoa như bột nghệ, ớt và hạt nhục đậu khấu.
Kết quả kiểm tra sau đó được công bố cho thấy, 30% mẫu gia vị được thử nghiệm có hàm lượng chì cao, chủ yếu là từ các loại gia vị không phải từ Hoa Kỳ.
Cũng theo thông tin từ Natural News, trong quá trình điều tra, tính riêng tại thành phố New York đã có 1.496 mẫu trong hơn 50 loại gia vị khác nhau đã được thử nghiệm. Các mẫu gia vị được lấy từ 41 quốc gia khác nhau. Kết quả cho thấy chì được phát hiện trong 50% mẫu. Trong 30% mẫu, nồng độ chì vượt quá 2 ppm (giới hạn cho phép đối với chì trong một số phụ gia thực phẩm nhất định).
Theo cơ quan này, các mẫu nhiều chì nhất đến từ Bangladesh, Pakistan, Georgia, Nepal và Morocco. Các loại gia vị tương tự, khi được nhập khẩu từ nước ngoài, có nồng độ chì trung bình vượt quá 50 ppm.
Trong đó, điều đáng chú ý là nhiều loại gia vị bị ô nhiễm không có tên thương hiệu hoặc bất kỳ thông tin nhận dạng nào khác. Nhiều khả năng chúng được nhập lậu. Trên thực tế, mặc dù các loại thực phẩm nhập khẩu hợp pháp đều phải thông qua sàng lọc kim loại nặng, nhưng phương pháp này lại không thể kiểm soát được mọi mặt hàng bị ô nhiễm xâm nhập vào nước này.
Nhiễm độc chì là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Trong đó, nhiều loại gia vị đã được phát hiện có hàm lượng chì cao quá mức cho phép. Ảnh minh họa |
Các cơ quan chức năng tiết lộ thêm, loại gia vị bị ô nhiễm nhiều nhất là kviteli kvavili (hoa màu vàng) thu được ở nước ngoài từ nước cộng hòa Georgia. Một số loại gia vị bị ô nhiễm với tỷ lệ cao khác bao gồm bột nghệ, hạt tiêu, và ớt bột. Trước đây, FDA cũng đã có những cảnh báo về củ nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Bangladesh.
Các cơ quan y tế công cộng cho rằng, cần có một nỗ lực liên chính phủ để điều chỉnh nồng độ chì trong gia vị, mỹ phẩm, thảo dược và chất bổ sung. Bởi vì hầu hết các mặt hàng tiêu dùng này được coi là sản phẩm y tế, nên các quy định và kiểm tra kim loại nặng nghiêm ngặt là rất cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm này mang lại lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng, không phải là mối nguy hiểm.
Laura Shumow, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Gia vị Hoa Kỳ (ASTA) tin rằng FDA nên đặt ra giới hạn chì trong gia vị và thực thi biện pháp này.
Các loại thảo mộc và gia vị được trồng trong nước là an toàn nhất, nhưng nhập khẩu có thể có rủi ro. Người tiêu dùng nên mua các loại gia vị của các thương hiệu lớn có uy tín. Các thương hiệu lớn có nguồn gia vị từ khắp nơi trên thế giới và có các hệ thống đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm của họ, theo Natural News.
Natural News cho biết, ở Hoa Kỳ có hơn 2.000 người lớn và 5.000 trẻ em có nồng độ chì trong máu tăng cao. Số liệu này được lấy từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ(CDC) thống kê. Phơi nhiễm chì từ nhiên liệu ô tô, sơn và ống nước, kim loại nặng này vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ em, những người có thể nhanh chóng bị suy giảm nhận thức trong giai đoạn phát triển quan trọng của đời người. Đối với trẻ em, tiếp xúc với chì nhẹ nhất cũng có thể gây ra các vấn đề về hành vi và học tập, IQ thấp và tăng động, chậm tăng trưởng, các vấn đề về thính giác và thiếu máu. Đối với người trưởng thành, chì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn chức năng thận và các vấn đề về sức khỏe sinh sản. Không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với chì. |
(Theo Natural News/ Viet Q)