Chị P.T.Y. (sinh năm 1996, ngụ TP.HCM) có thói quen thường xuyên uống trà sữa lề đường từ khi học cấp III, khoảng 2-3 ly mỗi ngày. Có ngày chị Y. không ăn cơm, chỉ uống trà sữa.
Hơn một năm trước, chị Y. nhập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng phù toàn thân, khó thở, chức năng thận giảm thấp. Đồng thời, chị có biểu hiện các biến chứng của suy thận mạn phải chạy thận cấp cứu.
Chị Y được theo dõi tổn thương thận cấp nghi do độc chất, theo dõi bệnh thận mạn giai đoạn 5, tăng huyết áp, thiếu máu, chạy thận cấp cứu. Sau hơn 3 tháng, các bác sĩ ghi nhận chức năng thận của bệnh nhân không phục hồi, xác định đã suy thận mạn giai đoạn cuối. Hiện bệnh nhân đang chạy thận định kỳ tại bệnh viện.
Cũng chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là anh N.M.T. (sinh năm 1999). Theo bệnh án, anh T. có thói quen uống khoảng 10 lon nước ngọt/ngày trong hơn 5 năm.
Tháng 3 vừa qua, anh T. có triệu chứng mệt, mờ mắt, đau đầu, huyết áp cao nhưng không đi khám. Hai tuần sau thấy mệt nhiều hơn, đi khám tại một bệnh viện, anh được chẩn đoán tổn thương thận cấp. Bệnh nhân về nhà tự uống cỏ mực trong 4-5 ngày nhưng không cải thiện.
Khi anh T. đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị phù hai chân, nhìn mờ, chức năng thận giảm thấp, chẩn đoán mắc hội chứng thận hư, thận viêm. Tầm soát toàn bộ các xét nghiệm về các bệnh lý khác có thể gây ra suy thận ở người trẻ đều âm tính, đồng thời bệnh nhân có biểu hiện các biến chứng của suy thận mạn. Bác sĩ xác định bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận định kỳ.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 4, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp thanh niên 25 tuổi suy thận cấp, phải chạy thận cấp cứu. Bệnh nhân này cũng thường xuyên uống nước ngọt, khoảng 2-3 lon/ngày trong nhiều năm. Sau khi ổn định chức năng thận, bệnh nhân được cho ra viện nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau đã tiếp tục nhập viện vì thận lại tổn thương, phù nề, bí tiểu.
Bệnh nhân trẻ chạy thận ngày càng nhiều
Theo BSCKII Vũ Thị Minh Hoa, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh nhân trẻ đến khám thận có tăng so với trước. Khoa đang có khoảng 320 bệnh nhân chạy thận định kỳ, trong đó 15% có tuổi từ 19-40 (trước đây bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi ngoài 60).
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ. Bệnh nhân dưới 35 tuổi có khoảng 60 người, chiếm 15% tổng số người chạy thận.
Tại Khoa Nội thận - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nội trú và khám từ 300-400 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Trong đó, bệnh nhân trẻ đến khám chiếm khoảng 20%, cá biệt có những bệnh nhân mới chỉ 16 tuổi.
Bác sĩ Hoa cho biết trước đây, bệnh nhân trẻ mắc suy thận chủ yếu do bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý tiềm ẩn (miễn dịch) âm thầm gây tổn thương thận hay bệnh lý di truyền (thận đa nang). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bệnh viện ghi nhận nhiều người trẻ suy thận cấp do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, tự uống thuốc điều trị thời gian dài, dinh dưỡng không hợp lý…
“Bệnh nhân suy thận cấp phải lọc máu cấp tính, sau điều trị chức năng thận có phục hồi so với lúc cấp cứu nhưng sau này đa số vẫn suy thận mạn giai đoạn 2, 3, 4, không trở về như bình thường. Một số rơi vào tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận định kỳ” - bác sĩ Hoa nói.
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.