>>
Giữ nguyên quy định thu hồi đất trong Hiến pháp
>>
Người dân 'mờ nhạt' trong quyết sách đất đai
>>
Không để chênh lệch địa tô rơi vào túi cá nhân
>>
Sẽ không tính giá đất theo thị trường 'ảo'
Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận, Trung tướng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ nhận định: Chính sách hai giá đất trên thực tế, giá đất do nhà nước quy định và giá đất giao dịch trên thị trường bất động sản có khoảng cách chênh lệch khá lớn, gây thất thu các khoản như thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền thuê đất...
"Việc định giá đất không thật đúng đắn, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng là nguyên nhân phát sinh nạn đầu cơ đất, tiêu cực, tham nhũng. làm giàu bất chính từ đất... Khiếu kiện đất đai phần lớn là về giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng", ông Độ nói.
ĐB Trần Văn Độ. Ảnh: Minh Thăng |
Tuy nhiên, theo ông, dự thảo luật Đất đai vẫn chưa giải quyết toàn diện, triệt để những bất cập này. "Chính sách hai giá đất quá bất hợp lý vẫn còn đó, dự thảo hầu như chưa có quy định nào để thu hẹp hoặc xóa bỏ tình trạng này để tránh sự không công bằng giữa người có đất bị thu hồi và người có đất thương mại".
Trước đó, khi chia sẻ bên hành lang QH, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường có nói định hướng trong dự thảo luật Đất đai là giá đất đền bù phải sát thị trường, nhưng không phải là thị trường "ảo", tức thị trường đầu cơ. Tuy nhiên, Trung tướng Trần Văn Độ thấy dự thảo cũng chưa làm rõ định giá đất phù hợp với thị trường là như thế nào.
Ông Độ cũng băn khoăn: Đồng ý với quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất, nhưng trong dự thảo không thấy bóng dáng các cơ quan tham mưu và thẩm định giá đất.
"UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền thu hồi đất, vừa có thẩm quyền định giá đất thì vừa đá bóng vừa thổi còi, rất khó công khai, minh bạch, công bằng như mong muốn của chúng ta", ĐB An Giang nói.
Cơ quan tư vấn định giá đất cũng chỉ được coi là nguồn tham khảo chứ không bắt buộc phải có, ông Độ nhận định và đề nghị trong luật phải có quy định về cơ quan tham mưu thu hồi đất, cơ quan thẩm định giá đất và sự giám sát của HĐND đối với quyết định giá đất của UBND.
ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) đồng tình với yêu cầu bắt buộc có sự tham gia của cơ quan tư vấn định giá đất trong quy trình này.
Phiên thảo luận này được bổ sung thêm vì luật Đất đai còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau và đã lỡ hẹn ở kỳ trước. Tuy vậy, các vấn đề ĐB nêu vẫn là những vấn đề đã được đưa ra nhiều lần như các trường hợp thu hồi đất, cơ sở đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư... ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhận định những điểm này cần thêm thời gian tiếp thu, kiến nghị lùi đến kỳ sau.
Theo chương trình kỳ họp, luật Đất đai sửa đổi sẽ được biểu quyết thông qua vào đúng ngày bế mạc (29/11), cùng với Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Chung Hoàng