phu yen 2.jpg
Viên chức BHXH tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt VssID. Ảnh: LỆ VĂN

Thay đổi tích cực hoạt động của ngành

Theo ông Hồ Phương, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, trong năm 2023, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư công tác chuyển đổi số, có những bước tiến vững chắc.

Chuyển đổi số đã và đang mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong mọi hoạt động của ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số.

“Để chuyển đổi số hiệu quả, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên ứng dụng VssID.

BHXH tỉnh phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử, nhằm giảm việc sai thông tin thẻ, quên hay mất thẻ”, ông Hồ Phương cho biết.

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh, BHXH tỉnh còn đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đơn vị còn vận động người lao động mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp bảo hiểm; phối hợp với bưu điện, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các địa điểm chi trả, các khu dân cư, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM; đảm bảo chi trả nhanh chóng thuận lợi, đúng đối tượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay…

Theo ông Huỳnh Công Định, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, thời gian qua, việc liên kết và chia sẻ dữ liệu thông tin giúp hai đơn vị phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, ngành BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, tất cả kết quả, nhiệm vụ của BHXH tỉnh đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm. Đây cũng là mục tiêu, định hướng xuyên suốt của ngành trong công tác chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn thường xuyên quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu từng đơn vị, để chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thói quen từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành, rồi chuyển đổi thành hành động và kết quả cụ thể để người dân, doanh nghiệp thụ hưởng.

Chị Lê Thị Thanh Tâm ở phường 1 (TP Tuy Hòa) nói: “Khi ngành BHXH thực hiện chuyển đổi số, các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được cài đặt qua VssID giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách về bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi an sinh của bản thân.

Bên cạnh đó, nhiều thủ tục được thực hiện online nên chúng tôi không cần đến cơ quan BHXH. Riêng đối với những thủ tục cần phải đến trực tiếp, tôi không phải đợi chờ lâu vì có thể đặt lịch làm việc trước, rất thuận lợi và nhanh chóng”.

Hiện BHXH tỉnh tiếp tục hoàn thiện, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu; tăng cường kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngành cũng định hướng thực hiện chuyển đổi số theo hướng toàn diện, ưu tiên triển khai các dịch vụ công trực tuyến để người dân, người lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số ở BHXH tỉnh có những khó khăn, như: Tâm lý, thói quen của người dân muốn đến trực tiếp các cơ quan nhà nước làm thủ tục hành chính để được trực tiếp hướng dẫn về các giấy tờ, hồ sơ có liên quan. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia là quy trình mới, người dân chưa thông thạo công nghệ thông tin nên còn lúng túng trong việc kê khai.

“Để khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian đến, BHXH tỉnh đẩy mạnh truyền thông, nhất là trên nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, zalo, fanpage của BHXH tỉnh, huyện nhằm giúp người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao tiện ích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cách thức tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hệ thống BHXH”, ông Hồ Phương nói.

Theo BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 778.626 người được xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỉ lệ hơn 97% trên tổng số người tham gia. Trong đó có 404.573 lượt tra cứu thông tin, khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Theo Lệ Văn (Báo Phú Yên)