W-NTM nông nghiệp CNC Bảo Lâm.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương trồng sầu riêng lớn của Lâm Đồng, những năm gần đây, người dân nơi đây đã tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào canh tác để nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Như vườn sầu riêng của gia đình bà Trương Thị Thu Trang ở xã Lộc An có diện tích 2,8ha đang được áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác mới đã đảm bảo cây phát triển mạnh, cho trái chất lượng để xuất khẩu.

Để thuận lợi cho việc áp dụng canh tác, bà Trang đã lắp đặt hệ thống tưới phân, bón thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Ngoài tưới ở gốc, gia đình còn lắp đặt hệ thống tưới trên cao, cây được phun tưới từ trên ngọn xuống tận gốc, tạo không gian mát, hạn chế một số loài gây hại.

Thuốc bảo vệ thực vật dành phun tưới cho sầu riêng cũng được lắp đặt bằng ống chạy dọc theo thân cây, có thể phun cao vào từng trái, giảm công sức cho người chăm sóc.

Hiện tại, vườn sâu riêng của bà Trang đang tham gia xây dựng mã số vùng trồng dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nhằm đáp ứng về tiêu chuẩn, chất lượng, có thể tham gia chuỗi cung ứng để xuất khẩu.

Tại xã Lộc An hiện có trên 43,2% dân số làm nông nghiệp như trồng cà phê, sầu riêng, chè, bơ…. Là một trong những địa phương phát triển đi đầu, khá toàn diện về mọi mặt của huyện Bảo Lâm. 

Chủ tịch UBND xã Lộc An Vũ Minh Đoàn, cho biết, hiện nay, xã huy động và phát huy các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt để tiến tới xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua, xã luôn tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân được vay vốn, tiếp cận với khoa học kỹ thuật nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt việc sản xuất nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Chính vì vậy, đến nay, Lộc An là một trong những xã ở Bảo Lâm có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, bơ, chè, nấm đông trùng hạ thảo và các mô hình rau, hoa; các mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, chim cút... cũng dần được phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Xã Lộc An hiện đã thành lập được 3 HTX và 9 tổ hợp tác nông nghiệp, với hàng trăm tổ viên tham gia; nhiều doanh nghiệp được xây dựng, phát triển hiệu quả gắn với các sản phẩm chủ lực như chè, cà phê, sầu riêng... giúp hơn 11.400 lao động luôn có việc làm thường xuyên, đạt trên 95% tỷ tệ người trong độ tuổi lao động có việc làm; thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 34 hộ, chiếm tỷ lệ 0,68%.

Năm 2014, Lộc An được tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2021, Lộc An cũng là địa phương đầu tiên của huyện Bảo Lâm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện xã đang đề nghị cấp trên thẩm định, xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. 

Ngoài xã Lộc An, ở huyện Bảo Lâm còn nhiều địa phương cũng “phất” lên nhờ lấy nông nghiệp làm chủ lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, ở Bảo Lâm đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như vùng sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lộc Đức với quy mô diện tích 300 ha; vùng sản xuất chè Lộc Quảng, Lộc Thắng 300 ha; vùng sản xuất chè tại xã Lộc Tân 377 ha; vùng sản xuất cà phê 100 ha ở xã Lộc Ngãi....

Tính đến đầu tháng 7/2024, toàn huyện có 54 HTX và 20 tổ hợp tác; có 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện hoạt động có hiệu quả. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 6 triệu đồng/người/tháng; tại tổ hợp tác giao động từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, huyện có 30 sản phẩm OCOP của huyện đạt hạng 3 sao trở lên; có 30 hộ trồng sầu riêng đã được cấp 15 mã số vùng trồng với sản lượng 28.000 tấn quả sầu riêng tươi. 

Kinh tế phát triển mạnh nên những năm gần đây, diện mạo của Bảo Lâm có nhiều đổi mới và khởi sắc. Đến nay toàn huyện có 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.