Có lẽ Facebook khi phát triển tính năng livestream (cho phép người dùng tự stream video và phát trực tiếp trên newfeed của mình) cũng không lường hết việc nó được các chủ shop online hưởng ứng và tận dụng tối đa như hiện nay.

Thời gian vừa qua, gần như shop online nào cũng sử dụng tính năng livestream của Faceboob như một công cụ bán hàng hiệu quả và thú vị.

Rằng hay thì có hay...

Với tính năng truyền tải hình ảnh, livestream giúp các chủ shop online tiết kiệm thời gian chụp hình, up hình mà vẫn bán hàng ngon lành. Trong khi đó, người mua cũng rất yên tâm khi có thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm trước khi quyết định có bỏ tiền ra mua về hay không.

{keywords}

Phần lớn các "tiểu thương online" đều sử dụng tính năng Livestream trên mạng xã hội để bán hàng.

Cứ đến những giờ vàng, trưa từ 11-14h hay tối từ 19-21h là trên Facebook nhà nhà, người người livestream bán hàng. Thậm chí, nhiều shop giờ đây không còn chụp hay up sản phẩm nữa mà mỗi ngày chỉ livestream để bán là đã đủ.

Chị Nhung, chủ một shop online bán quần áo cho biết: “Thấy nhiều shop livestream bán hàng quá dễ với lượng theo dõi lên tới 30-40 người, thậm chí gần 100 người một lần và cả ngàn comment trao đổi tôi thật sự bất ngờ. Vì thế, đợt xả hàng vừa rồi thay vì chụp và up hình như trước thì tôi quyết định livestream. Bất ngờ quá khi mà chỉ sau 2 tiếng livestream thì tôi đã bán được gần một nửa số hàng giảm giá. Đây là việc mà nếu làm theo cách cũ trước đây phải mất gần một tháng may ra mới có thể bán được”.

Theo chị Nhung chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến tính năng livestream trở thành công cụ bán hàng đắc lực của các chủ shop là vì khi khách hàng theo dõi livestream sẽ mua nhiều hơn do họ thấy được sản phẩm nên yên tâm hơn.

Thấy được sự “lợi hại” của livestream nên giới kinh doanh online rất chăm làm hình thức này, cứ có hàng sale, hàng mới là lại livestream bán hàng.

Tuy nhiên, sau nhiều lần livestream thì chị Nhung đúc kết được một số kinh nghiệm: “Chủ yếu những shop bán thành công nhờ livestream là những shop bán hàng giá rẻ hoặc sale hàng. Do giá tiền quá rẻ nên người mua nhanh chóng chốt được đơn hàng chứ nếu giá sản phẩm trên 200.000 đồng thì người mua cũng rất đắn đo và thường sẽ phải xem lại hoặc hỏi tư vấn cặn kẽ chứ không dễ dàng chốt đơn được. Vì thế, nhiều hôm livestream xong chẳng bán được bao nhiêu sản phẩm, vẫn phải chụp và up hình cũng như tư vấn lại cho khách mệt hơn cả trước ấy chứ”.

Tuy nói thế, nhưng livestream để bán hàng vẫn đang là hình thức kinh doanh được nhiều shop lựa chọn.

Chị Chung Thụy, ngụ Quận Tân Bình vừa mới tập tành buôn bán online lại đụng ngay lúc cơn bão livestream bán hàng. Chị cũng thử làm như mọi người và không ngờ, chỉ sau vài lần xổ hàng chị đã có hàng chục khách sỉ và đại lý ở nhiều tỉnh thành.

Nếu lên facebook cá nhân của chị Thụy chắc chẳng ai nghĩ chị bán hàng online vì chẳng thấy đăng hình sản phẩm nào cả, lâu lâu mới có vài dòng trạng thái, vài cái hình chụp vội mấy bộ sản phẩm còn sót lại.

“Doanh số sau mỗi lần live của chị vào khoảng 5-10 triệu đồng nên giờ chị chỉ live bán hàng, lười chụp lắm mà có chụp cũng chẳng ai mua vì hàng "si" thì làm gì có hình mẫu, chị lại chụp xấu nên khách nhìn không bắt mắt đâu”, chị Thụy hồ hởi khoe.

... nhưng mau ngán

Có một thực tế là nếu lúc đầu chỉ vài shop bán xả hàng tồn mới livestream thì bây giờ shop nào cũng live, khiến nhiều người dùng mạng xã hội cảm thấy như bị “bội thực”. Thậm chí không ít người bắt đầu ác cảm, quyết định “chặn” các shop online thường xuyên sử dụng hình thức livestream.

{keywords}

Nhiều người dùng mạng xã hội cảm thấy bị "bội thực" trước việc quá nhiều chủ shop online dùng hình thức livestream để bán hàng.

Đến các nhóm bán hàng hay trao đổi sản phẩm hiện tại cũng bắt đầu đưa ra các biện pháp chặn, khóa nick những thành viên thường xuyên chia sẻ các bài livestream lên nhóm. Việc làm này đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều thành viên.

Chị Thu Hương, thành viên một nhóm trao đổi sản phẩm cho biết: “Nhiều buổi mình thấy toàn livestream bán hàng mà phát ngán, kéo xuống một loạt chỉ thấy hiển thị livestream, điện thoại đôi khi đơ cũng vì những thông tin kiểu này, rất bực mình”.

Nhiều chị em chia sẻ vẫn thích cách bán hàng truyền thống có hình, có giá để dễ lựa chọn. “Nhiều người bán livestream cả 3-4 tiếng nên tôi không có thời gian theo dõi và cũng lười xem lại, thế là cho qua luôn”, một khách hàng thường xuyên mua online cho biết.

Không chỉ khách hàng mà nhiều shop cũng... phát khóc sau mỗi lần livestream. Nếu như giai đoạn đầu việc buôn bán của chị Thụy khá tốt, thì gần đây nghe chị than đau đầu vì bị "bom hàng".

Chị cho biết, không chỉ khách lạ mà nhiều khách sỉ, khách quen cũng "bom hàng". Nguyên nhân là khi chị livestream, ai nhìn thấy hàng đẹp cũng hồ hởi, giành giựt nhau để lấy. Đến lúc chốt đơn hàng thì thấy số tiền quá cao do khi vừa xem live vừa đặt hàng ít người để ý rằng mình đã mua quá nhiều. Thế là khách yêu cầu hủy đơn hoặc chỉ lấy một phần đơn hàng.

Chị Thụy chép miệng: “Nhiều hôm chị live 3-4 tiếng nói không ra hơi luôn, đến gần cuối khách bảo xin lỗi, không lấy hàng nữa. Thiệt lòng chị nghe mà muốn khóc”.

Chị Tuyết Anh, một shop chuyên bán sét bộ cát hàn, thun giá rẻ 80.000 - 90.000 đồng cho biết cũng thường xuyên bị khách tỉnh "bom hàng".

“Lúc live thì giành giựt, rồi hối thúc giao hàng, khi giao xuống thì không nhận. Thùng hàng của chị 5-6kg, tiền hàng gần 2 triệu, tiền ship cũng hơn 100.000 đồng. Nghe bưu điện gọi bảo khách hoàn hàng mà tức muốn khóc. Bán hàng giá rẻ, lời một bộ 20.000 - 30.000 đồng mà bị bom vài đơn coi như lỗ. Chị đuối lắm luôn”, chị Anh than thở.

Phần lớn khách hàng hiện nay đều yêu cầu chuyển hàng theo hình thức COD (giao hàng mới thu tiền), thế nên hầu như mọi rủi ro đều dồn về phía các shop online. Do đó, các vụ tố nhau trên mạng xuất hiện rất thường xuyên khiến nhiều người kinh doanh online cũng phải ngao ngán.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)