Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị tại TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận quy hoạch chống ngập tại TP lớn nhất nước đang có vấn đề.

Bão số 9: Sài Gòn mưa như thác đổ, ngập tứ bề

Bão số 9: Sài Gòn mưa kỷ lục, ngập lụt khắp thành phố

“Đừng đổ lỗi cho mưa quá lớn”

Mở đầu cuộc trao đổi với PV VietNamNet về trận ngập chưa từng có ở Sài Gòn do ảnh hưởng cơn bão số 9 vừa qua, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị thẳng thắn cho rằng quy hoạch chống ngập đang có vấn đề.

“Trận mưa vừa rồi, nhà chuyên môn nói có lượng mưa lên đến 300-400mm quá lớn nên chưa có phương án, kịch bản dự phòng. Nói như thế là chưa đầy đủ” - ông Sơn nhận xét. 

Theo chuyên gia này, thiết kế hạ tầng chống ngập được chia làm 2 phần bao gồm thiết kế hạ tầng cơ bản và dự án dự phòng chống ngập. Trong đó, hệ thống hạ tầng cơ bản chỉ đảm bảo mưa từ 100-200mm không bị ngập. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng dự phòng để chống ngập cho những trận mưa cực đoan lại chưa nhiều.

“Hệ thống dự phòng là trong quy hoạch, mình phải có không gian hồ điều tiết cũng như bể chứa nước ngầm, không gian cây xanh kết hợp với hệ thống cống. Khi lượng mưa quá lớn, nước không thoát kịp sẽ được tạm trữ trong không gian dự phòng đó rồi từ từ thoát ra sông, kênh rạch”- ông Nam nói.

{keywords}
Đường Sài Gòn ngập nặng trong trận mưa kỷ lục, có nơi đo được hơn 400mm do ảnh hưởng của cơn bão số 9

Ông cũng cho biết, rất tiếc hiện nay hệ thống dự phòng của TP còn quá nhiều hạn chế: “Nếu mình làm đúng quy hoạch, TP không đến nỗi như vừa rồi. Như vậy, trong quản lý đô thị vẫn còn có thiếu sót, có vấn đề?”- ông khẳng định.

Theo ông Sơn, hiện nay đô thị mới mọc lên quá nhiều, loạn cốt nền, dự án chống ngập nhiều nhưng đứng riêng lẻ cũng là yếu tố tác động, gây ngập nặng, điển hình như khu Gò Vấp, Bình Tân…

Ông Sơn cho biết lúc trước, các khu vực này là đồng ruộng. Đây là những hồ chứa nước tự nhiên. Quá trình đô thị hóa không tính toán đến hạ tầng chống ngập bài bản, cùng với sự thiếu quản lý đô thị mới, không giữ không gian xanh…khiến khu vực này phải gánh chịu cảnh ngập nặng. 

Ngoài ra, hiện TP vẫn còn loạn cốt nền dù các chuyên gia đã cảnh báo từ mấy chục năm qua. Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường… chưa phối hợp với nhau. Mỗi đơn vị có một quy chuẩn cốt nền dẫn đến tình trạng đua nhau nâng đường. 

“Mạnh ai nấy nâng đường khiến nước chảy lung tung. Những dự án chống ngập đứng riêng lẽ không bao giờ giải quyết triệt để ngập úng tại TP”- ông nhận xét thêm.

Qua đó, ông Sơn kiến nghị giải pháp xây dựng cống rãnh hạ tầng phải kết hợp đê bao đi đôi với phê duyệt quy hoạch, phát triển đô thị như mật độ dân số, hồ điều tiết, hồ dự trữ nước ngầm, không gian cây xanh.

“Không thể giao việc chống ngập cho một trung tâm mà phải là sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên ngành. Phải có một nhạc trưởng, người này là đầu tàu lãnh đạo và chịu trách nhiệm giải quyết rốt ráo chuyện chống ngập đang rất nan giải của TP” – ông Sơn nói.

Ông cũng cảnh báo, nếu không có sự đồng bộ, trách nhiệm thì có đưa thêm các dự án chống ngập chục nghìn tỷ đồng và thậm chí gấp 10 lần nữa cũng không thể chống ngập hiệu quả, "bít được đầu này rồi lại xì chỗ kia thôi'. 

{keywords}
Người và xe 'bơi' trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nơi đây ngập nặng gần 1m và kéo dài nhiều giờ

“Không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước”

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP.HCM về việc chống ngập tại TP.HCM nhìn nhận hạ tầng dự phòng của TP vẫn còn hạn chế.

Tiến sĩ Phi nhận định, không bao giờ có thể lường trước được hậu quả của thiên tai. Tất cả các dự báo đều có thể sai, nên tốt nhất cần có các phương án dự phòng. 

Nói về việc TP đang sử dụng máy bơm dã chiến để chống ngập thời gian qua, ông Phi cho rằng giải pháp này không thể nói là không hiệu quả. Phương án này chỉ có hiệu quả trên một hệ thống thoát nước căn bản và hệ thống ngăn triều ổn định. Do đó, phương án này chỉ được xem là hỗ trợ cho công tác chống ngập khi xảy ra mưa cực đoan.

“Trong quy hoạch đã có khảo sát hệ thống thoát nước, hệ thống ngăn triều, hệ thống trạm bơm, gần đây có cả hồ điều tiết nữa. Nhưng thực tế quy hoạch đó chưa làm được bao nhiêu hết. Vấn đề chúng ta cần đặt ra là tốc độ thực hiện quá chậm”- vị chuyên gia nhận xét.

“TP phải mất từ 10-20 năm nữa mới có thể xây dựng xong hạ tầng chống ngập cơ bản. Do đó, trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải dự phòng tình huống sớm nhất, làm giảm nhẹ thiệt hại, chứ còn trông chờ vào việc chống ngập không thì không ổn…”- chuyên gia cảnh báo.

Cũng theo ông, trận mưa lớn lịch sử như vừa rồi sẽ không còn hiếm trong tương lai.

“Mức độ rủi ro do thiên tai ngày càng cao, thành ra giải pháp tối ưu nhất là thích nghi từng bước các giải pháp xây dựng công trình, thay đổi thói quen sinh hoạ cũng như là sắp xếp lại không gian sống, không gian làm việc để giảm được thiệt hại…”- ông Long khuyến cáo. 

Cơn bão số 9 mạnh lên thành bão từ áp thấp nhiệt đới trong ngày 22/11 và đến trưa 25/11, cơn bão áp sát khu vực biển Vũng Tàu - Cần Giờ và giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão này đã gây mưa to, gió mạnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Tại TP.HCM, áp thấp nhiệt đới này gây mưa lớn kỷ lục về thời gian cũng như về lượng. Theo đó, tại quận 1 đo được 301mm, Nhà Bè 345mm, quận Tân Bình 407,6mm và huyện Cần Giờ 293mm. Từ trước đến nay, chưa từng có cơn bão lớn nào lại gây ảnh hưởng trực tiếp vào TP HCM như Usagi. Bão Pakhar năm 2012, Durian năm 2006 chỉ đi qua Cần Giờ một chút rồi trượt xuống các khu vực khác của Nam Bộ như Bến Tre, Trà Vinh.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, toàn TP có hơn 100 tuyến đường bị ngập sâu từ 10 - 70cm. TP nhìn nhận chương trình chống ngập của TP đang được tính toán trên lượng mưa trung bình khoảng 200mm và chưa xây dựng được kịch bản cũng như cơ sở vật chất để ứng phó với lượng mưa 400mm.

 

Bão số 9: Xế hộp vô chủ 'bơi' trên đường Sài Gòn ngập cả mét

Bão số 9: Xế hộp vô chủ 'bơi' trên đường Sài Gòn ngập cả mét

Sáng nay, hàng chục xế hộp vô chủ bơi trên đường ngập cả mét sau khi bão số 9 gây mưa lớn kỷ lục, nhiều nơi ở Sài Gòn ngập nặng.

Bão số 9: Oằn mình bơm nước cứu trăm xe máy ‘chết đuối’ dưới hầm chung cư

Bão số 9: Oằn mình bơm nước cứu trăm xe máy ‘chết đuối’ dưới hầm chung cư

Hàng loạt xe máy, ô tô "tắt thở" trong hầm giữ xe của chung cư, tòa nhà, khách sạn ở Sài Gòn sau cơn mưa ngập lịch sử, ảnh hưởng của bão số 9.

Vì sao bão số 9 gây mưa lớn kỷ lục khiến Sài Gòn ngập khắp nơi?

Vì sao bão số 9 gây mưa lớn kỷ lục khiến Sài Gòn ngập khắp nơi?

Sau khi áp sát bờ, bão số 9 giảm cấp còn áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên cả hoàn lưu cơn bão vẫn hướng trọng tâm vào TP.HCM.

Tuấn Kiệt