Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 14h hôm nay (28/10), vị trí tâm bão số 9 trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

{keywords}
 Căn nhà bung mái tại Lý Sơn

Đến 1h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.  

Ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong chiều và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm; từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Từ đêm nay đến ngày 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.

Nguy cơ ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, đến 15h chiều nay, ngập lụt gây chia cắt 2 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Hiện tại có 360 xã đang bị mất điện (chủ động cắt điện chống bão). Trong đó tại Đà Nẵng 11 xã; Quảng Nam 56 xã; Quảng Ngãi 145 xã; Bình Định 97 xã; Phú Yên 51 xã. Chiếm tổng số trên 10% phụ tải của miền Trung.

Hệ thống điện mặt trời tỉnh Bình Định bị hư hại.

Thiệt hại ban đầu có 1 người chết (Gia Lai, do trú mưa ở lán bị sập) và 2 người bị thương ở Bình Định. Có 4 nhà bị sập, 1.095 nhà tốc mái; 1 cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng; Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 4 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum…

Lý Sơn tan hoang sau bão số 9

Lý Sơn tan hoang sau bão số 9

Bão số 9 tấn công huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với sức gió cấp 13, sóng lớn cao từ 5-6 m, khiến nhiều trụ sở làm việc và nhà dân bị tốc mái...

Hương Quỳnh