15 bức tranh bị cho là giả và 2 bức tranh bị cho là mạo danh trong số 17 bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vừa diễn ra tại Bảo Tàng Mỹ thuật TP HCM.

Sáng ngày 20-7, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức gửi văn bản xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu" diễn ra tại Bảo tàng khi các thông tin chưa đủ tính xác thực.

{keywords}

Bức "Trừu tượng" trong bộ sưu tập "Những bức tranh trở về từ Châu Âu" ký tên họa sĩ Tạ Tỵ

Tại buổi khai mạc cuộc triển lãm này trong ngày 10-7, khá nhiều chuyện lộn xộn đã diễn ra. Khi hoạ sĩ Thành Chương xuất hiện và “tố” bức “Trừu tượng” là tác phẩm của Thành Chương chứ không phải của Tạ Tỵ như bản đang treo tại triển lãm, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã xông vào lớn tiếng đe doạ hoạ sĩ Thành Chương. Ngày 16-7, họa sĩ Thành Chương công bố phác thảo bức "Trừu tượng" mà ông còn lưu giữ.

Tổng số 17 bức tranh đang trưng bày tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, có 15 bức tranh có nhiều ý kiến cho là tranh giả (không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện), 2 bức tranh bị mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc), đã được Bảo tàng Mỹ thuật tạm giữ để lập hội đồng thẩm định lại.

Trả lời báo Người Lao Động sáng ngày 20-7, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung khẳng định ông vẫn có lòng tin vào những bức tranh mình đã mua. Ông Chung cho rằng để có thể thẩm định được thực sự, cần đưa tranh ra nước ngoài, chẳng hạn như đưa sang Hồng Kông, hoặc sang Pháp.

Hiện tại, dư âm xung quanh cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” vẫn đang rất nóng, rất nhiều nhà chuyên môn, giới hoạ sĩ lên tiếng bất bình về bộ sưu tập có quá nhiều tranh giả và tranh mạo danh này.

Nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật khẳng định đây là sự sỉ nhục cho nền hội hoạ Việt Nam, cú lừa ngoạn mục, một vụ án kinh tế lớn, có tổ chức và kéo dài từ nhiều năm trước. Nhiều nhà phê bình uy tín như Nguyễn Quân, Phan Gia Hương và các họa sĩ đều cho rằng kể cả không cần nghiên cứu, chỉ nhìn qua đã thấy toàn bộ các bức tranh này đều giả hết. Thậm chí có những người dám đặt toàn bộ sinh mệnh nghề nghiệp vào việc khẳng định toàn bộ các bức tranh ở đây đều không phải do các tác giả đó vẽ.

Theo thông tin từ trong giới chuyên môn cho biết, ông Jean-François Hubert (vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật VN và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hồng Kông) đã chứng thực rất nhiều tranh giả mạo của VN cho nhà đấu giá Christie’s. Tuy nhiên, khi các họa sĩ Việt nhờ phía Christie’s xác nhận về ông Hubert thì nhà đấu giá này cho hay đã chấm dứt công việc với ông Hubert từ năm 2013. Hội đồng thẩm định từ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng nêu ra ý kiến cần có hành động để ngăn chặn việc chứng nhận giả mạo trên của ông Hubert, tránh tiếp diễn những trường hợp khác.

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN khẳng định qua sự việc trên cần xây dựng củng cố ngay một hành lang pháp lý để bảo vệ mỹ thuật Việt cùng các họa sĩ Việt khi vấp phải tình trạng phát hiện tranh giả. “Sắp tới, tôi nghĩ nhà nước nên có một hội đồng thẩm định tranh cấp nhà nước. Vấn nạn tranh giả, tranh nhái, tranh mạo danh không chỉ là những “vụ án” kinh tế, văn hoá, làm đau đầu những người sáng tạo, và còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị nghệ thuật của quốc gia. Cần thẩm định lại tất cả tranh của các họa sĩ lớn mà tôi và bạn bè tôi cho rằng đã bị làm giả rất nhiều”.

 

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý

Trước ''nghi án'' tranh thật tranh giả trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung thuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, đặc biệt trước sự tố cáo mạo danh bức “Trừu tượng” từ họa sĩ Thành Chương, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức cuộc họp thẩm định ngày 19-7, với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật để trao đổi xung quanh những vấn đề gây dư luận về triển lãm này.

Thông tin đến báo chí và công chúng, sáng ngày 20-7, ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM gửi văn bản khẳng định: 15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; 02 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (HS. Tạ Tỵ và HS. Sỹ Ngọc). Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này.

Theo NLĐ