Mời quý độc giả theo dõi video:

Cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng chiếm trên 30% dân số. Đồng bào có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc sắc, phong phú, thể hiện trong nghệ thuật ca múa nhạc, văn học, lễ hội, tôn giáo, nghệ thuật kiến trúc chùa, trang phục truyền thống…

Những ngôi chùa của đồng bào Khmer tại Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, là những công trình nghệ thuật hài hòa các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Ở Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer.

Một trong số đó là chùa Peam Buôl Thmay tọa lạc tại khóm 5, phường 4, TP. Sóc Trăng. Chùa được xây dựng vào năm 1964, với lối kiến trúc ấn tượng được dát vàng xung quanh, tạo nên nét đẹp độc đáo và hết sức mới lạ.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, chánh điện và tăng xá của chùa vẫn còn là kiến trúc ban đầu với vách tường gạch, mái tôn đơn giản. Kiến trúc tại sala cũng dựa trên tổng thể chung của ngôi chùa là sự đơn giản, tao nhã nên màu trắng được chọn làm sắc sơn chủ đạo. Các họa tiết được tô điểm nhũ vàng, ngôi chùa hiện lên sang trọng nhưng vẫn không kém phần uy nghiêm.

Chùa Peam Buôl Thmây còn được du khách biết đến vì có một “bảo tàng tự nguyện”. Đây là một gian nhà nhỏ bằng gỗ được cất theo lối nhà xưa của người Khmer. “Bảo tàng tự nguyện” đang lưu giữ những vật dụng sinh hoạt đời thường của bà con Khmer.

Bên cạnh hoạt động tôn giáo, địa phương cùng ban quản trị các chùa đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng lãm.

Từ khi có Đội văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng đông. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt. Đến đây, bà con có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, theo đó, phong tục tập quán của đồng bào cũng được bảo tồn và phát huy.

Các thành viên câu lạc bộ đều có đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc nên đã cùng nhau phục dựng, tập luyện và giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền.

Vào các dịp lễ, hội hay sự kiện có khách du lịch, câu lạc bộ thường biểu diễn các điệu múa truyền thống và trình diễn nhạc ngũ âm.

Nhạc ngũ âm của người Khmer được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong năm 2024, câu lạc bộ nghệ thuật chùa Peam Buôl Thmây đã tham gia lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” của người Khmer do Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức.

Hoạt động thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024, theo Kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không thể phủ nhận, những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đã đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc Khmer cùng với văn hóa các dân tộc khác tạo nên sự phong phú, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.