Là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190km và có nhiều đảo, vịnh kín. Phú Yên có hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng với nhiều thủy hải sản quý hiếm. Hệ thống thực vật vùng đất ngập nước cũng đa dạng có giá trị kinh tế biến rất cao. Tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch biển là trọng tâm.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản gây tình trạng cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ. Không chỉ vậy, hoạt động khai thác hải sản, neo đậu thuyền bè, lượng khí thải do vận tải biển gây ra đã khiến hệ sinh thái rạn san hô, thềm cỏ biển bị phá hủy.  

Ngoài ra, ô nhiễm từ các đầm, vịnh ra biển đều đáng báo động. Các chất thải từ nhà máy sản xuất công nghiệp, dân sinh, dịch vụ du lịch không được xử lý kịp thời.

phu yen.png
Phú Yên bảo tồn rạn san hô, cỏ biển. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, một số địa phương trong tỉnh chủ yếu là đánh bắt thủy sản ven bờ và việc phát triển lồng bè nuôi thủy sản khiến nhiều vùng biển  bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học biển. Một phần do người dân có điều kiện khó khăn không đủ đầu tư tàu thuyền lớn để đánh bắt xa bờ, một phần do người dân còn hạn chế về kiến thức bảo vệ môi trường, các quy định khai thác tài nguyên biển, đảo.

Thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều giải pháp về công tác khai thác tiềm năng biển hài hòa với bảo tồn tài nguyên biển và hải đảo. 

Điển hình như trước tình trạng rạn san hô tại hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) bị đe dọa, ngay lập tức UBND tỉnh đã ban hành quy định về quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan hòn Yến. Theo đó, khu vực rạn san hô hòn Yến được chia thành các vùng lõi, vùng đệm, vùng khai thác hợp lý.

Vùng lõi 17ha bảo vệ nghiêm ngặt hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tự nhiên, môi trường và khả năng phục hồi tới hệ sinh thái rạn san hô để mục đích nghiên cứu, phát triển, phục hồi đa dạng sinh học rạn san hô. Các hoạt động khai thác thủy sản, du lịch, thăm dò khoáng sản phải được cơ quan có thẩm quyền quy định. Tuyên truyền cho người dân, khách du lịch không làm tổn hại rạn san hô, nhặt rác vùng biển để bảo vệ san hô. 

Năm 2023, UBND tỉnh Phú Yên cũng phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, từ nay tới năm 2030, Phú Yên đưa ra mục tiêu các đô thị ven biển phải đảm bảo 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Các khu kinh tế, công nghiệp, đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng mang tính bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải.  

Phú Yên đưa ra mục tiêu tăng diện tích khu bảo tồn biển, phối hợp nuôi trồng thủy hải sản gắn với bảo tồn. Mục tiêu đến năm 2050, Phú Yên trở thành địa phương giàu mạnh từ biển với nền tảng tăng trưởng xanh, môi trường biển, hải đảo hài hòa với thiên nhiên, hệ sinh thái biển ngày càng phong phú, đa dạng. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Phú Yên xây dựng các chính sách phát triển kinh tế biển kết hợp với an ninh quốc phòng. Các địa phương kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao về quản lý và khai tác tài nguyên biển. 

Ngoài ra, tỉnh chủ trương phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học, chuyển đổi số, công nghệ số, phát triển các mô hình sử dụng tài nguyên bền vững, tuần hoàn tài nguyên biển, hải đảo. Các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin.

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV