“Thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, “thế trận lòng dân” là một yếu tố quan trọng, quyết định đến việc hình thành sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng to lớn chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Ngày nay, kế thừa truyền thống của ông cha, trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm và phát huy mạnh mẽ.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”. Kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Đại hội XII của Đảng xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc;... Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền an ninh nhân dân. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 82 giúp dân mở đường tại bản Huổi Un, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Xây dựng thế trận quốc phòng được tiến hành toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, song phải lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là then chốt. Mặt khác, bên cạnh tiếp tục coi trọng việc xây dựng “thế trận lòng dân”, thì Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung yêu cầu phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Điều này cho thấy Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố “thế trận lòng dân” và cần phát huy mạnh mẽ nhân tố này vào thực tiễn xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Giải pháp xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” 

Giải pháp xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, TS. Nguyễn Hữu Tuấn, Học viện Chính trị Quân sự đề cập tới năm vấn đề.

Trước nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân.

Bởi lẽ, có nhận thức đúng đắn về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân mới nâng cao được nhận thức về trách nhiệm và có được hành động đúng đắn. Do đó, cần quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, cần phát huy dân chủ rộng rãi, tạo đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nắm chắc nội dung, yêu cầu xây dựng “thế trận lòng dân” của từng địa phương để có biện pháp giáo dục, quán triệt cho phù hợp. Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục chuyên đề gắn với các sự kiện chính trị của đất nước. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa để giáo dục, tuyên truyền. Đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân”.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, niềm tin, quyết tâm của toàn dân tộc, tạo thành nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc để huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Do đó, để phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, thì việc đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ có vai trò quan trọng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” xứng đáng với niềm tin của nhân dân, là bộ tham mưu chiến đấu và tiên phong của cách mạng, hạt nhân quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân.

Tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đẩy mạnh các giải pháp hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ “đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”; đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục việc đề xuất, ban hành những chính sách kém hiệu quả, không hợp với lòng dân, gây bức xúc dư luận. Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; củng cố vững chắc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, để thực sự gần dân và hiểu dân; chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Duy trì nghiêm kỷ cương, pháp luật, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân.

Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội trong từng bước phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chăm lo sức khỏe cho nhân dân; chú trọng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng về lợi ích, phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, miền; coi trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân…

Thứ tư, tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm phá hoại “thế trận lòng dân”.

Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững mạnh. Theo đó, cần chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh với âm mưu chống phá “thế trận lòng dân” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, chính trị, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường “thế trận lòng dân” để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân.

Đình Thành, Trần Kiên, Ngô Minh