75 năm trước, 27/7 được chọn là ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là dịp để nhắc nhớ những người đã sống về hàng triệu người dân nước Việt đã hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình trong những cuộc chiến bảo vệ độc lập của dân tộc. Rất nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức trong những ngày qua.
Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Rất nhiều ngôi mộ nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ là liệt sĩ vô danh. Các hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn diễn ra trên những mảnh đất mưa bom bão đạn một thời, để gọi tên những người con đã mãi mãi nằm lại để đổi lại hòa bình dân tộc.
47 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông nối liền một dải nhưng các hoạt động tri ân uống nước nhớ nguồn chưa bao giờ dừng lại. Mới đây, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng đã được khánh thành ngày 24/7 tại xã biên giới Thượng Trạch, tỉnh Quảng Bình đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là nơi để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước thăm viếng, tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, cũng là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, các hoạt động cầu siêu cho các liệt sĩ cũng được tổ chức ở nhiều nơi. Tối 14/7, Lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ diễn ra tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tháng 7 vừa qua. Không chỉ cầu siêu cho người đã khuất, rất nhiều chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức nhằm nhắc nhở thế hệ sau về sự hy sinh của thế hệ cha anh để thêm trân quý hòa bình của hiện tại.
Sáng 24/7, Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tuyên dương Người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022 đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc.
Đến nay đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng....
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chủ tịch Nước khẳng định: "Trong suốt chiều dài lịch sử 'sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa', trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do".
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn ở nhiều địa phương, nhiều vùng đất, nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước hôm nay. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình".
Chủ tịch Nước khẳng định: "Đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam luôn chú trọng "Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ người trồng cây," 75 năm qua, rất nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.
Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Quỹ "đền ơn đáp nghĩa;" Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị-xã hội. Công tác "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước".
Chủ tịch Nước khẳng định người dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mang lại độc lập, hòa bình hôm nay.
Thời gian qua, các phong trào "đền ơn đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Bảo Phùng, Thu Thủy, Đàm An