Những sự việc mất an toàn liên tiếp diễn ra trong các trường học thời gian qua, ngoài trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, chẳng mấy ai để ý tới vai trò của  nhân viên bảo vệ nhà trường.

Câu chuyện có lẽ không còn nói ra chỉ để cho vui khi trường học vốn được coi là nơi an toàn thì có những nơi cả thầy và trò cảm nhận được những phen hú vía giữa lằn ray sinh tử.

Mới đây nhất, các phụ huynh, học sinh và ngay cả các giáo viên cảm thấy bất an hơn bao giờ hết khi 5 học sinh và 1 cô giáo Trường Tiểu học Đồng Lương bị một đối tượng đột nhập vào dùng dao nhọn đâm trọng thương. Kết quả một học sinh đã tử vong, các học sinh khác phải nhập viện. Còn trước đó, không ai biết bảo vệ đang ở đâu?.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. 

Khi hỏi tại sao bảo vệ không ngăn cản thanh niên manh động này vào trường, ông Lê Thiên Quang, hiệu trưởng nhà trường đành ngậm ngùi: “Bảo vệ mà biết thì chắc sự việc đã không xảy ra như vậy, cũng không biết đối tượng vào từ đường nào”.

Ông Quang cũng thừa nhận do điều kiện hạn chế, nhà trường không có bảo vệ thường xuyên trực 22/24h để kiểm soát từng người ra vào mà chỉ tập trung những lúc cao điểm.

“Giống như các trường khác, chúng tôi cũng ký hợp đồng bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, sửa chữa điện đóm đơn giản,... Các điều khoản trong hợp đồng cũng rất chặt chẽ. Nhưng thực tình, giả sử trả lương cho họ 4-5 triệu đồng/tháng thì khác; đằng này chúng tôi chỉ trả được 1-2 triệu đồng nên họ cũng phải tranh thủ đi kiếm sống thêm”.

Ông Quang tính toán, như trường ông quản lý có 3 khu (1 điểm chính và 2 điểm lẻ), ít nhất cần đến 3 bảo vệ. “Nếu bây giờ trả mỗi người từ 3 triệu đồng mỗi tháng thì trường ở vùng quê không thể đủ tiền”.

Nguồn kinh phí để trả lương cho bảo vệ nhà trường phải tự xoay xở. “Mỗi năm, nhà trường có khoảng 150-200 triệu đồng để chi cho tất cả hoạt động chung, trong đó kinh phí cho bảo vệ khoảng 20-30 triệu đồng. Cái này do nhà trường tự cân đối chứ cũng không thu được từ phụ huynh học sinh thêm bằng nguồn nào cả”.

Ông Quang cho hay, vấn đề thực sự khó khăn khi bản thân các trường cũng không dám thu thêm không phải chỉ vì những công văn cấm lạm thu mà thu nhập người dân ở địa phương cũng thấp.

Việc vận động phụ huynh thu thêm tiền cho công tác bảo vệ không hề dễ dàng.

“Có chăng sau sự vụ này thì có thể phụ huynh thấy nhu cầu đó là cấp thiết thì nhất trí đồng tình. Chứ trước đây chưa xảy ra sự vụ, chúng tôi mà đưa ra đề xuất có khi phụ huynh lại nói nhà trường "vẽ ra" để kiếm thêm, thậm chí phải lên UBND để giải trình”, ông Quang chia sẻ.

Theo cân đối, chỉ có từ 20-30 triệu đồng cho bảo vệ, nên mỗi tháng, Trường Tiểu học Đồng Lương chỉ trả được cho mỗi bảo vệ khoảng 1 triệu đồng. Với mức tiền này thì tìm bảo vệ là rất khó. “Chúng tôi vận động trên tinh thần những người ở gần trường, chứ người ở nhà cách xa vài trăm mét người ta đã chối".

Không chỉ ở Thanh Hoá, thực trạng nguy hiểm này cũng diễn ra “như một lẽ thường” ở nhiều địa phương khác, đặc biệt các trường ở vùng huyện.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) - nơi mới đây vừa xảy ra sự việc một nhóm nữ sinh lột đồ, đánh hội đồng bạn -“bảo vệ của nhà trường” chỉ là một người phụ nữ đã nhiều tuổi.

Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong khi đó cũng chỉ biết trả lời bảo vệ lúc xảy ra sự vụ chắc còn đang làm việc gì đó mà không bao quát.

Khi nói đến trách nhiệm của bảo vệ trong vụ việc để học sinh đánh nhau ngay tại trường sau giờ học, ông Phong cũng tỏ ra dè dặt:

“Bảo vệ ở trường chúng tôi là một bác gái đã khá lớn tuổi.  Ở đây các trường gọi bảo vệ nghe vậy nhưng thực tế đúng nghĩa chỉ là những người trông trường. Bởi kinh phí chi trả cho bảo vệ ít, như chúng tôi trả bằng mức lương cơ bản tối thiếu”.

Nhưng trường này không phải cá biệt, khi ông hiệu trưởng giải thích cho việc của trường mình là “nhưng thực tế ở địa phương, trường nào cũng thế cả” và ngậm ngùi chấp nhận có chuyện gì thì cũng đành chịu.

Hiệu phó một trường tiểu học ở một huyện của Nghệ An cũng thừa nhận, hiện việc thuê người làm bảo vệ trường với mức lương thấp đã rất khó khăn chứ chưa nói đến chuyện mong mỏi đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ. Trường đang ký hợp đồng với một người đàn ông luống tuổi gọi là “chấp nhận làm công việc này”.

“Thường nhà trường cũng chọn những người ở gần trường. Các trường học vùng quê, lương bảo vệ thấp nên họ cũng không thực sự tâm huyết với công việc. Thực ra bảo vệ đúng nghĩa phải trực trường liên tục nhưng trường không thể trả cao vì trích từ tiền hoạt động chung nên khó đòi hỏi cao về trách nhiệm. Vì lương trả thấp quá, họ chỉ chủ yếu các việc chính là đóng mở cửa trường, trực đêm và quản lý cơ sở vật chất chung, còn lại không ngồi ở trường cả ngày mà tranh thủ đi làm thêm các việc khác để nuôi sống gia đình”.

Theo vị này, muốn trả lương cao hơn để họ chuyên tâm hoặc thuê bảo vệ chuyên nghiệp thì cần phải thu thêm tiền từ phụ huynh, nhưng việc này thực tế rất khó đối với địa bàn người dân thu nhập thấp.

“Tài chính của nhà trường hạn hẹp nên việc trả lương cao cho bảo vệ là không thể. Thành phố thì dễ hơn nhưng nông thôn là cả một vấn đề”, vị này nói.

Vị này cũng thừa nhận vì trước nay cũng chưa có các sự việc nào xảy ra tại cơ sở nên tâm lý chung cũng chủ quan. Do đó thời gian tới sẽ chấn chỉnh sự tập trung của nhân viên bảo vệ.

Chị Ngọc Mai, một phụ huynh ở Nghệ An thì không khỏi lo lắng: “Thật quá nguy hiểm. Đã đến lúc các trường học cần tinh đến việc thuê bảo vệ kèm theo nghiệp vụ chứ đa phần hiện nay toàn các bác bảo vệ đã già và chỉ là diện làm thêm tranh thủ. Các con giờ trong trường mà vẫn không cảm thấy được an toàn, còn những phụ huynh như chúng tôi thì  vô cùng bất an. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần yêu cầu về việc tuyển dụng bảo vệ ở tất cả các trường và họ đều phải học và có nghiệp vụ… Không thể để việc bảo vệ trường mà có cũng như không được”.

Vấn đề then chốt nguy hại đến tính mạng học sinh và giáo viên thực tế đã diễn ra.

Đã “mất bò” thật, chẳng lẽ còn “không lo làm chuồng”?

Thanh Hùng

Cậu học trò xấu số trong vụ thảm sát ở trường học Thanh Hóa

Cậu học trò xấu số trong vụ thảm sát ở trường học Thanh Hóa

- Hôm qua, cả bố và mẹ đều về với Phước. Mới đây Phước còn nằm trong đội học sinh được chọn tham gia chương trình giao lưu với các trường cấp huyện về hiểu biết an toàn giao thông.