Nghị quyết 24-NQ/TW đã đề ra những quyết sách lớn trong bảo vệ môi trường, trở thành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề cập một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách đối với công tác bảo vệ môi trường.

Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đến đẩy mạnh các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Lào Cai thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác bảo vệ môi trường của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng hoàn thiện, tiếp cận với phương thức quản lý môi trường tiên tiến của các nước phát triển, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang xây dựng. Điều này thể hiện rõ nét tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. 

Bên cạnh đó, tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tại các bộ, ngành; khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng. Các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện nâng lên một bước. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Một số mục tiêu đề ra tại Nghị quyết vẫn cần tiếp tục tập trung triển khai trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng có một số mục tiêu, nhiệm vụ cần được rà soát, đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới của đất nước.

Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang gây nhiều ảnh hưởng đến an ninh kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học đang tiếp diễn. Các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số được ứng dụng trong bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn đang được nhiều nước tích cực thực hiện.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW với mục tiêu cao nhất là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây được xem là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu về bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, đề ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Nguyễn Quang Phong, Phùng Thu Thủy, Ngô Thị Huyền, Trần Thị Hồng Nhì