LỜI TÒA SOẠN:

Tuần đầu tháng 4/2024, thông tin về việc lần đầu tiên Đồng Nai lập đội thí điểm bắt chó thả rông và TP Thủ Đức, TP.HCM triển khai trở lại hoạt động này nhận được sự chú ý của nhiều độc giả. Ngay sau lần đầu tiên "ra quân", TP Biên Hoà lên kế hoạch lập thêm 30 đội bắt chó thả rông. Điều này cho thấy, việc để chó mèo chạy ngoài đường thiếu sự giám sát của chủ nuôi, không có xích hay rọ mõm tại các khu dân cư, chung cư đang gây ra sự bức xúc, vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thậm chí an toàn tính mạng người dân. 

Thực tế, đây là vấn đề tồn tại từ lâu, song chưa được xử lý triệt để vì nhiều lý do như ý thức chủ nuôi, chế tài xử lý chưa đủ mạnh...

VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.

Xin chân thành cảm ơn!

Phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức là địa phương đầu tiên ở TP.HCM thành lập đội bắt chó thả rông, từ tháng 11/2022 và hoạt động rất tích cực. Đến nay, đội đã ra quân 60 lần và bắt giữ khoảng 200 con chó thả rông được đánh số chờ chủ đến nhận. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, đội bắt chó thả rông của phường vẫn hoạt động thường xuyên, hoạt động khi có bức xúc phản ánh của người dân. 

Theo ông Tuấn, trước khi thành lập, phường cho tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm bắt chủ trương, không thả rông, hay dắt chó ra ngoài phải rọ mõm… để bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Sau tuyên truyền, đội bắt chó mới hoạt động theo chức trách của mình. 

Ông Tuấn đánh giá, thời gian gần 2 năm qua, khi đội săn bắt chó thả rông hoạt động, tình hình cải thiện đáng kể, người dân phường rất đồng thuận với chủ trương này, chỉ một vài trường hợp bị bắt chó là phản ứng. Nhưng khi được giải thích, người dân vui vẻ chấp hành. 

w cho tha rong nguyen hue 7 2 181.jpg

Sau khi bắt chó, các thành viên của đội ở phường Hiệp Bình Chánh lần lượt đánh số, chụp ảnh, ghim vị trí để thông báo cho chủ tới nhận diện. Ảnh: Huế EX

Chó được bắt về phường, quy định sau 48 giờ, nếu chủ của chó lên nhận về thì nộp phạt theo quy định và phải có cam kết không tái phạm. 

Những trường hợp không ai nhận thì giao về cho trường Đại học Nông Lâm và một số cơ sở khác phục vụ nghiên cứu khoa học. 

“Thời gian qua, chưa thấy có trường hợp nào bị xử phạt tái phạm thả rông hay dắt chó ra ngoài không rọ mõm. Tình hình này cho thấy người dân đã chấp hành tốt quy định của phường”, ông Tuấn cho hay.

Tương tự, trong đợt đầu tiên sau khi ra mắt đội bắt chó thả rông tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai), ngày 4/4, đội bắt được 4 con, trong đó 3 trường hợp đến nhận và phường lập biên bản xử phạt.

Theo ghi nhận, việc thành lập đội bắt chó thả rông nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Nhiều người cho biết, tình trạng chó thả rông trên địa bàn phường đã giảm, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, về phía những người thực hiện việc bắt chó thả rông lại gặp khá nhiều khó khăn. 

Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo một thành viên trong đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, công việc này đòi hỏi không chỉ là tinh thần tự nguyện mà còn phải gan dạ, sẵn sàng đối mặt với chó dữ, thậm chí chó dại... 

Thành viên này cho biết, khi hoạt động, đội không chỉ bị người dân phản ứng gay gắt, cự cãi… mà có người còn bị chó cắn nhiều lần, tiêm cả chục mũi vắc-xin phòng bệnh dại.

w cho tha rong nguyen hue 10 2 176.jpg
Anh Ninh Văn Hiếu (đội phó đội tuần tra phường Hiệp Bình Chánh) vây bắt một chú chó hung dữ, có dấu hiệu của bệnh dại trong chiều ngày 4/4. Ngay sau đó, cả đội phải sử dụng xịt khuẩn để vệ sinh. Ảnh: Nguyễn Huế

Do đó, một số thành viên muốn gắn bó, nhưng lại e ngại sau một vài lần bị chó cắn, không dám đi tiếp. Những người khác lại bận công việc gia đình không thể sắp xếp thời gian...

Ông Phạm Văn Cường, Đội phó đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài cũng chia sẻ, thành phần của đội chủ yếu là lực lượng không chuyên trách. Mặc dù được huấn luyện các kỹ thuật bắt chó, nhưng các thành viên của đội vẫn chưa thành thạo nên việc thực hiện đạt hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, khung giờ người dân thả chó từ 5h30-7h30 và 17-19h, nên khi đi bắt chó thả rông vào khung giờ cao điểm này dễ xảy ra tình trạng người dân hiếu kỳ đứng xem dẫn đến tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, ông Cường cho biết, những trường hợp chủ vật nuôi không đến nhận chó sau 48 giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc xử lý chó sau khi bắt cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Từ những khó khăn trên, sau đợt ra quân đầu tiên, phường Trảng Dài kiến nghị các cơ quan chuyên môn ban hành quy định quy trình xử lý chó trong trường hợp không có chủ vật nuôi đến nhận, cũng như liên hệ với các đơn vị có chuyên môn làm việc với những địa điểm tiếp nhận, bàn giao chó.

cho tha rong.png
Chó thả rông này sau một tuần vẫn chưa có chủ đến nhận. Ảnh: Hoàng Anh

"Cần hỗ trợ nhân sự có chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc bắt chó thả rông, hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho đội. Đồng thời, hướng dẫn xử lý đối với trường hợp chó dại và chó không dại, tiêm ngừa bệnh dại trước khi trả về cho chủ hoặc bàn giao cho đơn vị chức năng chăn nuôi thú y", ông Cường ý kiến.

Ông Hoàng Thanh Bình - cán bộ kinh tế thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cũng cho biết: "Điểm cốt lõi để thành lập đội là nhân sự, địa điểm và nhân lực chăm sóc chó tạm giữ 48 giờ để chờ chủ nuôi đến nhận lại, đóng phạt".

Qua đây, nhiều bạn đọc cho rằng, việc này rất cần sự quan tâm rốt ráo từ các cấp chính quyền, để đầu tư ở mức cần thiết cả con người, phương tiện vật chất, thiết bị chuyên dụng... tạo điều kiện cho đội săn bắt chó thả rông hoạt động thường xuyên, lâu dài, không theo phong trào.

"Đừng để một vài địa phương tự phát lập đội săn bắt. Nhà nước phải có chủ trương thống nhất để làm đồng loạt. Sau khi tuyên truyền, cứ thấy chó thả rông là bắt, không cần tạm giữ. Đồng thời, phải xử phạt thật nghiêm, thật quyết liệt", bạn đọc nêu ý kiến.

Việc thành lập đội bắt chó thả rông là một giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Nhưng để đem lại hiệu quả cao, rất cần có ý thức của người dân, chủ vật nuôi,… mới xây dựng một thành phố văn minh, an toàn cho mọi người.

Nhằm phòng, chống và kiểm soát bệnh dại trên địa bàn một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát tốt bệnh dại trên người, TP.HCM đã lập 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông tại các quận, huyện. Cụ thể: quận 1 (2 đội); quận 6 (1 đội); quận 7 (10 đội), quận 10 (2 độ); quận 12 (11 đội); thành phố Thủ Đức (5 đội); Gò Vấp (12 đội); Bình Thạnh (1 đội); Hóc Môn (2 đội); Củ Chi (6 đội); Cần Giờ (7 đội).
Những câu chuyện thực tế, ý kiến góp ý để dẹp nạn chó thả rông, phóng uế, cắn người bừa bãi xin gửi về địa chỉ: noidung_tphcm@vietnamnet.vn