Bắt đối tượng dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo

Trong thông tin chia sẻ ngày 1/11, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam và Công an TP.HCM đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng trạm thu phát sóng di động giả mạo (trạm BTS giả mạo) xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo.

tin nhan lua dao.jpg
Thời gian qua, Cục Tần số vố tuyến điện (Bộ TT&TT) đã phối hợp với các đơn vị để phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng BTS giả để nhắn tin lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Theo đó, khoảng 14h00 chiều ngày 31/10, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin có dấu hiệu BTS giả phát tán tin nhắn trên địa bàn TP.HCM. Ngay sau đó, đoàn công tác của Trung tâm II đã lập tức lên đường, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở phía Nam và Công an TP.HCM làm nhiệm vụ.

Đến 16h20 cùng ngày, các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang ông V.A.B (là người Việt Nam, sinh năm 1977, quê quán tại Tây Ninh) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả, đặt trên xe ô tô loại 7 chỗ, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Mở rộng điều tra, ngay trong đêm 31/10, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ thêm 2 đối tượng khác có quốc tịch nước ngoài, được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thiết lập lập trạm BTS giả nói trên. 

Việt Nam vô địch cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới

Tại Pwn2Own Toronto 2023, đội tuyển của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) đã chính thức giành chiến thắng cao nhất với 30 điểm 'Master of Pwn'.

w chuyen gia bao mat vietnam 1 1 1 543.jpg
Đội đăng ký 7 hạng mục của cuộc thi tấn công mạng toàn cầu Pwn2Own năm nay (Ảnh: VCS)

Kết quả này đã mang về cho đội giải thưởng 180.000 USD, đồng thời đưa tên tuổi của cộng đồng an toàn thông tin Việt Nam vươn ra toàn cầu. 

Đây cũng là lần đầu tiên một công ty an ninh mạng Việt Nam đứng nhất toàn đoàn tại Pwn2Own.

Pwn2Own là cuộc thi tấn công mạng uy tín và lớn nhất thế giới được Zero Day Initiative tổ chức thường niên từ năm 2007. 

Đây có thể coi như World Cup của giới bảo mật với tổng giá trị giải thưởng lên đến hàng triệu USD, không ngừng thu hút các “cao thủ” từ các tập đoàn công nghệ danh tiếng, những chuyên gia hàng đầu về bảo mật.

Dừng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động qua hình thức online

Theo công văn của Cục Viễn thông, hiện đã hết thời hạn thí điểm việc sử dụng các ứng dụng phần mềm trực tuyến để rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo công văn số 5698/BTTTT-CVT ngày 23/11/2022.

Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện dừng toàn bộ việc sử dụng các ứng dụng/phần mềm trực tuyến để rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động; yêu cầu các nhà mạng báo cáo kết quả triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động về Cục.

chuan hoa thong tin 231.jpg
Các thuê bao phải đến cửa hàng của nhà mạng để đăng ký thông tin cá nhân. 

Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp nhà mạng cố tình vi phạm. 

Trước đó, cơ quan quản lý nhà nước đã cho các nhà mạng được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động khách hàng theo hình thức trực tuyến, để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng chuẩn hóa thông tin thuê bao mà mình đang sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao có thể bị lợi dụng để đăng ký thuê bao mới. 

Việt Nam tăng bậc về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính

Theo đánh giá của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) của Việt Nam năm 2022 tăng 4,5 điểm, đạt tổng điểm 51.  Đáng chú ý, điểm số về độ tin cậy tăng mạnh nhất, từ 79,6 điểm lên 90 điểm.

w phat trien buu chinh 2 1 1 1185.jpg
Theo kết quả đánh giá mới của UPU, Việt Nam đứng thứ 7/30 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính 2IPD. (Ảnh minh họa: Q.Bảo)

Với kết quả trên, Việt Nam được UPU xếp trong nhóm các nước đạt cấp độ 6 về chỉ số phát triển bưu chính 2IPD, lên 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước.

Báo cáo về Hiện trạng phát triển bưu chính toàn cầu năm 2022 đã được công bố tại Đại hội bất thường của UPU lần thứ 4 năm 2023 tại Ả-rập Xê-út trong tháng 10/2023.

Kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025

Google, Temasek và Bain & Co vừa công bố báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2023. Báo cáo bao trùm 6 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia với tổng dân số 605 triệu người. 

Năm 2023, kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt 100 tỷ USD doanh thu, tăng 27% so với năm 2021 và tăng 8 lần sau 8 năm.

w kinh te so vn 1 1186.png
Kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025. (Nguồn: Google, Temasek và Bain & Co) 

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co, tổng khối lượng hàng hóa (GMV) kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022 và dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025, 90 - 200 tỷ USD năm 2030. 

Trong đó, GMV thương mại điện tử đóng góp khoảng 16 tỷ USD, vận tải và thực phẩm 3 tỷ USD, du lịch trực tuyến 5 tỷ USD và giải trí trực tuyến 5 tỷ USD trong năm nay.

Về dịch vụ tài chính số, tổng giá trị giao dịch của thanh toán số (bao gồm thẻ tín dụng, ghi nợ, trả trước, A2A, ví điện tử) năm 2023 ước đạt 126 tỷ USD, cho vay kỹ thuật số ước đạt 4 tỷ USD. 

Về quỹ đầu tư tư nhân, có sự tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm nhờ các hoạt động trong lĩnh vực non trẻ như doanh nghiệp, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, AI, Web3/crypto, tài sản, xe hơi… 

(Tổng hợp)