Khó khăn giảm dần
Phát biểu tại “Diễn đàn bất động sản 2024 – Vượt qua thách thức” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 5/1, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đến hệ sinh thái kinh tế và có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành nghề.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản thế giới; cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.
Nêu loạt hạn chế, tồn tại kéo dài chưa thể khắc phục triệt để, ông Hải cho biết, sức mua và thanh khoản giảm; nguồn cung thiếu, dư thừa sản phẩm cao cấp trong khi thiếu các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân. Cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Trước tình hình này, ông Hải cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách để hỗ trợ thị trường bất động sản. Đơn cử, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới.
Ông Hải đánh giá, 5 luật này khi có hiệu lực sẽ là bước thay đổi lớn tác động mạnh làm tăng nguồn cung, cũng như điều tiết giá thị trường bất động sản phù hợp với người dân hơn.
Đánh giá tổng thể thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn nhưng lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian.
Bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, quý IV/2023, thị trường đã có thêm sự nhộn nhịp khi có nhiều dự án mở bán.
Nguồn cung và giao dịch trong quý IV đã có sự cải thiện khi tổng cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý III/2023. Trong đó có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt trên thị trường. Riêng với phân khúc nhà ở xã hội, 46 dự án được hoàn thành với 20.210 căn, đạt 4,7% kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025.
Tổng nguồn cung nhà ở năm 2023 đạt khoảng 55.329 sản phẩm, tăng khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2022. Tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường năm 2023 đạt 33%, tương đương với khoảng 18.600 căn hộ, sản phẩm thấp tầng được giao dịch thành công; tương đương với tổng lượng giao dịch nhà ở năm 2022.
Bất động sản sẽ “bùng nổ” từ quý III/2024?
TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế đã nhắc đến một số điểm mới, điểm thuận lợi cho thị trường bất động sản 2024. Theo ông, sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn dễ hơn, người dân sẽ chuyển dần chú ý sang kênh đầu tư bất động sản.
Dự báo về thị trường bất động sản năm nay, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng năm 2024 có thể sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản. Thị trường sẽ dần đi vào “ổn định” và bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Ông Đính cho hay, các thay đổi trong luật mới tuy chưa được áp dụng nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và “sốc” lại tinh thần cho công đoạn chuẩn bị trong thời kỳ sắp tới. Song, với điều kiện Luật Đất đai (sửa đổi) phải “ăn nhập” và thống nhất với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua trước đó.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, quý I và quý II/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Từ cuối quý III trở đi, sự phục hồi của bất động sản mới được thể hiện rõ rệt.