Cuốn sách “Simplicity Parenting” của tác giả Kim John Payne khuyến khích cha mẹ nuôi con đơn giản, cung cấp cho đứa trẻ ít vật chất hơn, tận dụng sức mạnh của sự thiếu thốn để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc hơn, an toàn hơn và sáng tạo hơn.
Khi bố tôi còn nhỏ, ông chỉ có một chiếc áo len mỗi mùa đông. Một chiếc duy nhất.
Ông nhớ rằng ông đã nâng niu chiếc áo len của mình như thế nào. Nếu khuỷu tay áo bị rách, bà tôi sẽ vá nó lại. Nếu ông để quên chiếc áo len ở đâu đó, ông sẽ đếm lại những bước đi của mình để tìm ra nó. Ông bảo vệ nó như một món quà quý giá.
Ông có mọi thứ cần thiết nhưng không nhiều hơn. Quy định duy nhất được đặt ra là phải về nhà vào giờ ăn tối. Bà tôi hiếm khi biết chính xác bọn trẻ đang chơi ở đâu.
Họ đi xây pháo đài, làm cung tên, sở hữu đủ loại vết thương từ bầm tím tới tóe máu và có thời gian sống cuộc đời của mình. Bố mẹ tôi được đắm mình trong thời thơ ấu.
Nhưng thế giới đã thay đổi. Chúng ta đang trở nên phức tạp hơn. Chúng ta bước vào một thế giới mà cha mẹ đang cung cấp quá nhiều thứ cho con trẻ. Chúng ta không hề biết rằng làm như vậy là chúng ta đang tạo ra một môi trường khiến các vấn đề về sức khỏe tâm thần dễ dàng phát triển hơn.
Khi tôi đọc sách của Kim John Payne, có một thông điệp đã được gửi đi từ trang sách. Những tính cách rất bình thường khi được kết hợp với sự căng thẳng vì dư thừa có thể khiến trẻ bị rối loạn. Một đứa trẻ quy củ có thể bị ám ảnh hành vi. Một đứa trẻ mơ mộng có thể mất khả năng tập trung.
Payne đã tiến hành một nghiên cứu, trong đó ông đơn giản hóa cuộc sống của những đứa trẻ bị rối loạn thiếu chú ý. Chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi, 68% trẻ chuyển từ thiếu chức năng lâm sàng sang chức năng lâm sàng. Những đứa trẻ này cũng thể hiện sự gia tăng năng khiếu nhận thức và học tập lên 37% - một kết quả thậm chí còn không thể có được khi dùng các loại thuốc kê đơn như Ritalin.
Là một phụ huynh có con nhỏ, tôi nhận thấy điều này vừa là quyền năng, vừa đáng sợ. Chúng ta chính thức sở hữu một cơ hội và trách nhiệm lớn trong việc cung cấp một môi trường để phát triển cả về thể chất, tình cảm và tinh thần cho con cái.
Vậy, chúng ta đang làm gì sai và chúng ta có thể sửa sai như thế nào?
Gánh nặng của sự dư thừa
Ngay từ những ngày đầu đi làm, Payne đã là tình nguyện viên trong các trại tị nạn ở Jakarta – nơi mà bọn trẻ phải đối mặt với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ông miêu tả chúng là những đứa trẻ “hay lo lắng, thất thường, thận trọng và cảnh giác với bất cứ thứ gì mới lạ”.
Vài năm sau, Payne hành nghề ở Anh – nơi mà ông nhận ra nhiều đứa trẻ người Anh sinh ra trong những gia đình giàu có cũng có xu hướng hành vi tương tự với những đứa trẻ đang sống trong khu vực chiến tranh cách nửa vòng Trái đất. Tại sao những đứa trẻ đang sống một cuộc sống hoàn hảo này lại có những triệu chứng tương tự?
Payne giải thích rằng, mặc dù chúng an toàn về mặt thể chất, nhưng về mặt tinh thần, chúng cũng giống như những đứa trẻ đang sống trong khu vực chiến tranh. “Chúng có sự sợ hãi, định hướng, tham vọng của bố mẹ chúng. Bọn trẻ bận rộn xây dựng những ranh giới của riêng mình, mức độ an toàn của riêng mình trong những hành vi vô ích”.
“Phản ứng căng thẳng tích lũy” là kết quả của hiệu ứng “quả bóng tuyết”. Bọn trẻ phát triển những chiến lược đối phó của riêng mình để tìm kiếm cảm giác an toàn. Phụ huynh và xã hội đã có ý thức bảo vệ con cái mình về mặt thể chất. Chúng ta đưa vào luật từ những thứ như ghế ngồi xe hơi, mũ bảo hiểm xe máy, nhưng việc bảo vệ sức khỏe tâm thần thì mơ hồ hơn.
Nhưng đáng buồn là chúng ta đang làm rối tung lên. Những đứa trẻ hiện đại đang được tiếp xúc với một biển thông tin liên tục mà chúng không thể xử lý hoặc giải thích. Chúng lớn lên nhanh hơn khi phải đặt mình vào vai trò người lớn, đáp ứng kỳ vọng của chúng ta. Vì thế, trẻ tìm tới những khía cạnh khác của cuộc sống mà chúng có thể kiểm soát.
Bốn nguồn cơn của sự dư thừa
Đương nhiên cha mẹ nào cũng muốn mang đến cho con cái sự bắt đầu tốt nhất trong cuộc sống. Nhưng nếu như chỉ ít thôi mới là tốt thì sao?
Chúng ta đăng ký cho con cái tham gia một loạt những hoạt động: bóng đá, âm nhạc, võ thuật, tập gym, múa ba-lê… Chúng ta quy định thời gian vui chơi chính xác từng phút. Và chúng ta lấp đầy mọi không gian trong phòng bằng sách, các thiết bị và đồ chơi giáo dục. Một đứa trẻ phương Tây trung bình thừa 150 món đồ chơi và nhận thêm khoảng 70 đồ chơi mỗi năm. Khi có quá nhiều đồ đạc, trẻ con sẽ trở nên mù quáng và choáng ngợp với những lựa chọn.
Chúng chơi một cách hời hợt thay vì đắm mình trong đó và mất đi trí tưởng tượng bản năng của mình.
Cuốn sách “Làm cha mẹ đơn giản” sẽ khuyến khích các bậc phụ huynh cung cấp ít đồ chơi hơn cho trẻ để trẻ có thể tìm hiểu sâu hơn về những gì chúng có. Payne miêu tả 4 nguồn cơn của sự dư thừa: quá nhiều đồ chơi, quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông tin và quá nhanh.
Khi trẻ bị choáng ngợp, chúng mất đi thời gian quý giá cần để khám phá, vui chơi và dẫn đến căng thẳng. Qúa nhiều lựa chọn sẽ làm xói mòn hạnh phúc, cướp đi của trẻ lợi ích của sự nhàm chán (đó là khuyến khích sự sáng tạo và tự học). Quan trọng nhất, sự dư thừa sẽ đánh cắp đi thời gian quý báu của trẻ.
- Nguyễn Thảo (Theo Raised Good)