Là một bà mẹ Nhật đã sống 17 năm ở Mỹ, khi quyết định trở về Nhật để trải nghiệm việc làm mẹ ở chính quê hương mình, Yoko đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhiếp ảnh gia Yoko Inone và con trai. |
Bay từ Brooklyn (Mỹ) cùng với chồng con trở về và bắt đầu cuộc sống mới tại một vùng nông thôn Nhật Bản, nhiếp ảnh gia Yoko Inone đã vô cùng ngỡ ngàng trước những điều mà các bà mẹ Nhật dành cho con mình. Cô đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, trước những điều mà cô chưa từng trải qua ở Mỹ với vai trò của một người mẹ.
Là một người gốc Nhật di cư sang Mỹ lúc 21 tuổi, năm 2010 có lẽ là bước ngoặt lớn đối với Yoko khi cô nghe lời chồng trở lại Nhật sau 17 năm xa cách để cậu con trai có thể học tiếng Nhật và hiểu hơn về văn hóa Nhật.
Mang thai em bé thứ 2 ở Nhật là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ đối với Yoko. |
1. Những lời khuyên khi mang bầu: Khi mang thai bé thứ hai được 6,5 tháng, Yoko thường xuyên đi khám tại phòng khám của một bác sỹ Nhật. Nếu như ở New York khi mang thai em bé đầu lòng, bác sỹ ở Mỹ thường cảnh báo cô không được ăn sushi, uống cà phê, dùng đồ có cồn hay ăn phô mai sống, thay vào đó là những viên vitamin đặc biệt; thì ở đây, bác sỹ Nhật hoàn toàn không có yêu cầu nào về chế độ ăn uống, thậm chí bác sỹ còn cho phép các mẹ có thể uống vài tách cà phê một ngày và một cốc bia nếu muốn.
Một cuộc "tụ tập" của các gia đình trong khu của Yoko. |
2. Mối quan hệ giữa các bà mẹ: Nếu như ở Mỹ, các bà mẹ gặp nhau ở sân chơi và có thể nói hết về những gì đang diễn ra trong gia đình mình như một hình thức để tạo ra sự đồng cảm và chia sẻ với nhau, thì ở đây mọi người sẽ để bạn nói cho đến khi bạn nhận ra rằng dường như bạn là người duy nhất đang có vấn đề với chồng con ở nhà. Sau vài năm Yoko nhận ra rằng thực tế ai cũng có những vấn đề riêng của mình, nhưng các bà mẹ Nhật giao tiếp với nhau theo cách khác vì họ luôn có một đường ranh giới rất rõ giữa chuyện gia đình và chuyện xã hội.
3. Đi dự tiệc: Khi tụ tập cùng với những gia đình khác, đàn ông và phụ nữ thường tách nhau ra. Phụ nữ thường chuẩn bị đồ ăn trong bếp, để ý bọn trẻ, còn đàn ông thường uống bia ở trong một phòng khác. Điều này khác hẳn với ở Mỹ khi tất cả các ông bố bà mẹ đều tụ tập tại một chỗ, còn ở đây các bà mẹ dường như không giao tiếp với những ông bố khác.
4. Hẹn hò buổi tối: Các bà mẹ Nhật nơi Yoko sinh sống đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô thuê một người trông trẻ để có thời gian hẹn hò với chồng vào buổi tối, bởi ở đây nhà hàng rất đắt đỏ và đàn ông thường làm việc rất muộn, thậm chí cả ngày cuối tuần. Có lẽ họ chỉ ăn ngoài mỗi năm một lần vào dịp…sinh nhật. Yoko cảm thấy phụ nữ Nhật kết hôn chỉ để làm mẹ, không phải làm vợ. Hai người có một cuộc sống tách biệt: người vợ ăn trước cùng với con, người chồng ăn muộn, thường là với đối tác trong công việc. Người chồng không có khái niệm giúp vợ làm việc nhà.
5. Cho con đi nhà trẻ: Có hai loại nhà trẻ ở Nhật: loại thứ nhất dành cho trẻ có mẹ đi làm và loại thứ hai dành cho trẻ có mẹ chỉ ở nhà. Loại thứ nhất hoạt động 6 ngày một tuần, từ 7h sáng đến 6h tối và các bà mẹ cần chứng minh là mình đang đi làm không thể chăm con nếu muốn gửi ở đây.
Các bạn nhỏ trong một giờ học ngoài trời về cách nhổ khoai lang ở một trường mầm non. |
Con trai Motoki của Yoko trong lớp học. |
Có một sự khác biệt về định hướng dạy học giữa hai loại trường, cụ thể trường dành cho những bà mẹ đi làm có xu hướng cho trẻ vận động bên ngoài, chơi để học, trong khi trường dành cho các bà mẹ nội trợ thì tập trung vào nội dung học kiến thức trong lớp học và chăm trẻ cho đến hết bữa trưa.
6. Trên đường tới trường: Tất cả trẻ con trong vùng Yoko sinh sống gặp nhau trên phố và cùng nhau đi bộ đến trường. Người lớn tuổi trong vùng sẽ tình nguyện giúp bọn trẻ qua đường an toàn và họ làm việc này một cách vô cùng vui vẻ. Các bà mẹ luôn nhắc bọn trẻ phải chào thật to, nếu không sẽ được coi là bất lịch sự.
Điều đặc biệt thú vị là phụ huynh luôn ghi chép lại những vấn đề mà con họ gặp phải trên đường đến trường vào một cuốn sổ chung của khu, kiểu như “Học sinh lớn đang đẹp xe quá nhanh gây nguy hiểm” hay “Bậc thang xuống dốc cần được sửa vì sự an toàn của trẻ”. Những vấn đề đó sẽ được đưa ra thảo luận và tìm cách giải quyết trong những cuộc họp chung của các phụ huynh trong khu phố mỗi tháng 1 lần.
Các bà mẹ Nhật rèn cho con tính tự lập từ rất sớm thông qua những công việc hàng ngày, ví dụ việc trẻ con tự đi bộ đến trường hay tự đi tàu điện ngầm từ khi mới 4 tuổi.
7. Đồ ăn: Các bà mẹ Nhật chuẩn bị đồ ăn cho con rất chu đáo. Cơm nắm cuốn rong biển là thành phần chính trong mỗi hộp đồ ăn, ngoài ra có thể là một quả trứng ốp lếp, xúc xích và xúp lơ xanh cùng một số đồ ăn khác.
8. Cho con bú: Tại những nơi công cộng như siêu thị, cửa hàng bách hóa, luôn có một phòng dành riêng cho các bà mẹ có con nhỏ để có thể cho con bú. Điều khiến Yoko ngạc nhiên là các bà mẹ không bao giờ cho con bú nơi công cộng. Phụ nữ ở đây rất kín đáo, ngay cả vào mùa hè nóng nực thì họ vẫn luôn “kín cổng cao tường”, khác hẳn với hình ảnh các bà mẹ mà Yoko vẫn thấy ở Brooklyn với những chiếc áo ngắn hở rốn không áo ngực.
Rất nhiều các hoạt động văn hóa địa phương được tổ chức cho trẻ em tham gia và trải nghiệm. |
Vẻ thanh bình thường thấy ở các vùng nông thôn ở Nhật Bản. |
(Theo Trí thức trẻ)