Những câu chuyện truyền cảm hứng kinh doanh trực tuyến

Câu chuyện của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương – Indochina truyền cảm hứng và động lực kinh doanh trực tuyến cho rất nhiều doanh nghiệp Việt tham dự Hội nghị Công bố Chương trình tuyển chọn doanh nghiệp tiêu biểu tham gia Gian hàng quốc gia Vietnam Pavilion trên Alibaba.com diễn ra sáng 28/11 tại Hà Nội.

ba tam.jpg
Bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương – Indochina. Ảnh: B.M

Những bước đầu tiên trên hành trình trở thành một trong những nhà bán hàng thành công nhất trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com của Indochina hiện dần qua lời kể của Giám đốc Hoàng Thanh Tâm: “Khởi đầu từ 1 cửa hàng bán sản phẩm handicraft (thủ công mỹ nghệ) cho khách du lịch, sau quá trình kinh doanh bán lẻ, nhận thấy khách hàng quốc tế rất yêu thích sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm truyền thống, chúng tôi quyết định thành lập Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu vào cuối năm 2015, lúc đó chỉ có 3 người gồm tôi và 2 nhân viên kinh doanh. Tháng 8/2015, chúng tôi đăng ký thành công 1 tài khoản Gold Supplier (nhà cung cấp Vàng) cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com. Chỉ khoảng hơn 1 tháng sau đã có đơn hàng đầu tiên, dù khá nhỏ thôi nhưng thời điểm đó chúng tôi cũng rất vui và hạnh phúc khi có thành quả ban đầu”.

Với gian hàng trực tuyến tiêu chuẩn quốc tế trưng bày sản phẩm không giới hạn, Indochina có thể tối đa hóa cơ hội quảng bá, bán sản phẩm tới khách hàng trên toàn thế giới.

Năm 2017, Indochina đăng ký thêm 1 tài khoản nữa trên Alibaba.com, tập trung quảng bá những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. 

“Biết Indochina qua sàn Alibaba, một khách hàng Ả rập đã tới thăm, làm việc tại văn phòng và showroom của chúng tôi. Lần đầu tiên gặp nhau, họ khá kỹ tính, tìm hiểu chi tiết về các sản phẩm hàng hóa. Họ làm việc với cường độ rất cao, gần như 6 – 7 tiếng/ngày tại showroom chỉ để tìm hiểu về thiết kế, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường của họ. Buổi tối về khách sạn họ cũng làm việc online để deal (giảm) giá. Thậm chí có những sản phẩm chúng tôi phải deal giá đến 5 lần. Rất may mắn, sau 3 ngày, họ đã tin tưởng và đặt hàng 2 container - một đơn hàng khá lớn ở thời điểm năm 2017. Đến giờ, sau hơn 5 năm, chúng tôi vẫn là đối tác tốt của nhau”, bà Tâm nhắc lại kỷ niệm thú vị.

Doanh thu xuất khẩu tăng trưởng hàng năm kể từ khi “lên sàn”, năm 2018, Indochina chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự, từ 3 người làm xuất nhập khẩu thời đầu thành lập, tăng lên 12 nhân viên kinh doanh trong tổng số 20 nhân sự, với đầy đủ các phòng ban như phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, phòng marketing, phòng bán hàng, phòng mua hàng, bộ phận quản lý chất lượng… 

Tháng 2/2022, Indochina nâng cấp lên gói dịch vụ Verified Suppier (nhà cung cấp được xác minh). Từ đó, gian hàng trực tuyến của Indochina trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com luôn có tới 60 product showcase (sản phẩm trên kệ trưng bày) thay vì số lượng 10 – 20 như các tài khoản bình thường; cộng thêm nhiều giá trị gia tăng khác như thường xuyên được hỗ trợ đào tạo bán hàng, marketing…, tham khảo các dữ liệu cập nhật ngành hàng, đánh giá “sức khỏe” gian hàng hàng tháng… Sau khi Indochina trở thành nhà cung cấp được xác minh, lượt tương tác tăng hơn 50%, lượng đơn hỏi hàng tăng gấp 3, số lượng đơn hàng chốt thành công tăng hơn 30%... so với trước.

Với quy trình kinh doanh bài bản, sau 8 năm, Indochina đã có hơn 3.000 đơn đặt hàng đến từ Mỹ, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

indochina.jpg
Sản phẩm của Indochina đã có hơn 3.000 đơn đặt hàng B2B đến từ nhiều nước trên thế giới.

Câu chuyện truyền cảm hứng khác được thuật lại bởi ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, kể về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Nhiên, hoạt động trên Alibaba.com từ năm 2004 với những sản phẩm nổi bật gồm: Thuyền cổ điển, du thuyền hiện đại, tàu du lịch, tàu cổ… 

Những năm đầu hoạt động trên sàn thương mại điện tử, giai đoạn 2004 – 2008, Gia Nhiên đạt doanh thu 800.000USD; trong 2 năm 2017 – 2018 đạt doanh thu 1,2 triệu USD.

Giai đoạn đại dịch Covid-19 tới nay, dù kinh tế chung rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt lao đao, nhưng Gia Nhiên vẫn duy trì hơn 70% công suất; từ tháng 6/2023 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đón nhiều khách hàng mới, tới nay tiếp tục mở rộng thị trường bằng các đơn hàng đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông…

ong zheng.jpg
Ông Andrew Zheng, Phó Chủ tịch Alibaba.com toàn cầu. Ảnh: B.M

Ông Andrew Zheng, Phó Chủ tịch Alibaba.com toàn cầu cũng góp vui bằng hai câu chuyện truyền cảm hứng ở Việt Nam. Một là Lengedary Chocolatier - doanh nghiệp chuyên sản xuất socola, sau khi dẫn đầu thị trường trong nước, từ năm 2019 đã “lên sàn”, mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài để hiện thực hóa ước mơ đưa sản phẩm socola 100% nguyên liệu Việt Nam ra toàn cầu.

Và hai là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hành Sanh, nhà sản xuất quạt điện trước chỉ tập trung thị trường trong nước, thông qua nền tảng Alibaba.com, từ năm 2019 tới nay đã mở rộng kinh doanh ra 5 thị trường nước ngoài. Năm đầu tiên “lên sàn”, dù rơi vào giai đoạn Covid-19 hoành hành, công ty vẫn đạt doanh thu xuất khẩu trực tuyến 200.000 USD.

“Còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khác đã và đang kinh doanh thành công trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com. Giao dịch trên sàn thương mại điện tử B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) thường là những đơn hàng lớn chứ không nhỏ lẻ như sàn B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng)”, Phó Chủ tịch Andrew Zheng lưu ý.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất khẩu trực tuyến tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ

“Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, Alibaba.com Việt Nam không ngừng hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam xuất khẩu trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm ở hơn 40 ngành hàng lớn. Hiện Alibaba.com đã có 47 triệu nhà mua hàng B2B, hoạt động giao dịch qua 18 ngôn ngữ, và đã có hơn 200 triệu sản phẩm thuộc 5.900 danh mục sản phẩm được bán”, ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho hay.

ong zhang.jpg
Ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam. Ảnh: B.M

Làm rõ nhận định “hoạt động thương mại trực tuyến đang phát triển nhanh chóng”, ông Zhang dẫn số liệu khảo sát: 65% nhà mua hàng B2B chọn giao dịch qua thương mại điện tử; 94% nhà mua hàng trực tuyến vẫn hoạt động hiệu quả như trước đại dịch Covid-19; 32% nhà mua hàng B2B đánh giá thương mại điện tử là phương án hiệu quả nhất. 

“Sản phẩm Việt Nam có sức hút tốt với nhà mua hàng quốc tế. Nhiều nhà mua hàng B2B quốc tế đang tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam ở một số ngành hàng như: Đồ nội thất; Thực phẩm và đồ uống; Quần áo và phụ kiện; Quà tặng và đồ thủ công… Theo dữ liệu của Alibaba.com 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022 thì tăng 55% số nhà mua hàng trung bình mỗi ngày đối với các sản phẩm Việt Nam, số lượng sản phẩm tăng 24%. Dự kiến tháng tới Alibaba.com sẽ đưa vào vận hành công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) dành riêng cho thị trường Việt Nam. AI tạo ra những từ khóa mô tả hàng hóa, hỗ trợ tạo video về hàng hóa, qua đó tối ưu hóa chi phí, biến khách hàng tiềm năng thành người mua hàng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ biết đến Alibaba như một nền tảng thương mại điện tử bán lẻ (B2C).

ong phu.jpg
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: B.M

“Mục tiêu của chúng tôi là tuyên truyền phổ biến sao cho doanh nghiệp hiểu rằng Alibaba là một nền tảng thương mại điện tử B2B cực kỳ hiệu quả. Cục Xúc tiến thương mại đánh giá cao vai trò của Alibaba trong việc tổ chức những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức xuất khẩu trực tuyến để từ đó tiến hành kinh doanh bền vững”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nói.

Năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp xây dựng và vận hành Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion trên nền tảng Alibaba.com. Đây là điểm nhấn thể hiện cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Alibaba.com tại Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng cơ hội xuất khẩu trên nền tảng số.

“Với 6 ngành hàng (Nông nghiệp; Thực phẩm và Đồ uống; Đồ nội thất; Quà tặng và hàng thủ công; May mặc và phụ kiện; Dược liệu, thực phẩm chức năng), Vietnam Pavilion sẽ là không gian hàng hóa “Made in Vietnam” trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế”, Phó Chủ tịch Alibaba.com toàn cầu thông tin.

Dự kiến sẽ có 100 doanh nghiệp Việt xuất sắc được tuyển chọn tham gia Vietnam Pavilion trên Alibaba.com, sau khi đáp ứng khá nhiều tiêu chí như: Doanh nghiệp Việt Nam (công ty sản xuất có trụ sở tại Việt Nam; sản xuất, kinh doanh sản phẩm có xuất xứ “Made in Vietnam”…); Chất lượng và uy tín (doanh nghiệp là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc cung cấp giấy tờ thể hiện ý định bảo hộ; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, chất lượng); Năng lực thương mại điện tử (chủ động phản hồi nhanh tin nhắn, đơn hàng từ người mua; kích hoạt tính năng Trade Assurance cho phép thanh toán dễ dàng và an toàn; duy trì ít nhất 1 nhân viên biết tiếng Anh và vận hành gian hàng tối thiểu 4 giờ/tuần…)...

Ngoài Alibaba.com, Cục Xúc tiến thương mại còn phối hợp với nhiều sàn thương mại điện tử khác trong nước và quốc tế như Amazon, Shopee, Lazada, TikTok… để có thêm không gian thúc đẩy việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế. Hợp tác với các sàn thương mại điện tử hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu trên nền tảng số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030”.

Bán hàng có tâm thì sẽ thành công

Kinh doanh online, xuất khẩu trực tuyến là những câu chuyện thoạt nghe “rằng hay thì thật là hay”, song không phải ai cũng có thể áp dụng hiệu quả. Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng đã khiến không ít doanh nghiệp thất bại.

toa dam.jpg
Nhiều kinh nghiệm hay đã được chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: B.M

Những đúc kết từ Indochina có thể sẽ giúp nhiều doanh nghiệp khác “chạm tay” tới thành công một cách nhanh chóng hơn, trả ít “học phí” hơn.

“Chúng tôi là đơn vị sản xuất và xuất khẩu đa dạng dòng sản phẩm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, không chỉ đơn giản là sản phẩm mây tre đan mà cả sản phẩm nghệ thuật, kỹ thuật cao hơn như sơn mài, khảm trai… Vì thế, chúng tôi phải chạy song song 2 tài khoản trên sàn Alibaba.com để chuyên biệt hóa các dòng sản phẩm, tiếp cận khách hàng nhanh hơn, nhanh chóng mở rộng thị trường hơn. Tài khoản 1 với các sản phẩm liên quan home décor (trang trí nội thất) và hàng hóa tiêu dùng thì ưu tiên phát triển thị trường Mỹ, châu Âu. Còn tài khoản 2 với các sản phẩm nghệ thuật đặc sắc thì ưu tiên phát triển sang Các tiểu vương quốc Ả rập và một số thị trường châu Á”, bà Tâm chia sẻ kinh nghiệm thứ nhất.

Kinh nghiệm thứ hai liên quan tới xử lý hàng tồn kho – mối lo lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu: Indochina không phát triển tập trung duy nhất 1 thị trường mà phát triển đa dạng thị trường, luôn trong tư thế tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài giảm giá sản phẩm còn có chiến lược chào hàng kết hợp sản phẩm tồn kho với mức giá có lợi cho khách hàng.

Kinh nghiệm thứ ba đã được Indochina triển khai thành công nhưng e rằng nhiều doanh nghiệp khác khó thực hiện: Chủ động tìm hiểu thông tin thị trường quốc tế để tư vấn hiệu quả cho khách hàng.

Giám đốc Hoàng Thanh Tâm chia sẻ: “Đầu năm 2023, chúng tôi tìm hiểu thì biết thông tin châu Âu sẽ đánh thuế các sản phẩm hàng hóa liên quan đến nhựa nhập khẩu vào châu Âu, mức thuế suất khá cao. Chúng tôi đã họp lại và quyết định cắt giảm toàn bộ những sản phẩm liên quan đến nhựa, cải tiến sản phẩm, cải tiến về đóng gói để khách mua hàng yên tâm rằng sản phẩm của chúng tôi 100% là hàng tự nhiên, có thể tái sử dụng, và khách hàng không phải chịu thuế suất cao. Hoặc khi tìm hiểu tình hình kinh tế Mỹ, thấy chi phí vận chuyển tăng rất cao, chúng tôi đã tập trung thiết kế để đưa ra các sản phẩm tối ưu nhất trong việc đóng gói, kết hợp các sản phẩm sao cho khách hàng chỉ phải chi mức nhỏ nhất có thể cho khâu vận chuyển, logistics”.

“Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh không đơn giản nhưng cũng không quá khó. Cần chủ động trong mọi tình huống, thấu hiểu sản phẩm khách hàng cần để đưa ra lời tư vấn chính xác nhất cho khách hàng. Hãy là nhà bán hàng có tâm, tư vấn cho khách hàng hài lòng thì mọi cuộc đàm phán chắc chắn sẽ thành công”, bà Tâm chân thành khuyến nghị.