Từ Huệ Minh (hiện 68 tuổi) sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ thuộc TP. Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc). 

Bên cạnh nhà ông có một bà lão tên Tô Mỹ Vân. 

Vợ chồng bà Tô không có con nên sau khi người chồng qua đời, bà Tô sống một mình. Ông Từ là một người tốt bụng, thấy hàng xóm lớn tuổi sống neo đơn nên thường xuyên sang giúp đỡ.

Năm 1990, gia đình Từ Huệ Minh xây nhà mới. Lúc đó, nhà bà Tô đã xập xệ. Tường nhà xuất hiện những vết nứt, có chỗ có dấu hiệu sụp đổ, nếu tiếp tục ở sẽ rất nguy hiểm. Bà Tô đã 66 tuổi, kinh tế gia đình khó khăn nên không có khả năng sửa sang lại nhà.

Ông Từ bàn với gia đình, xây thêm một phòng trong ngôi nhà mới của mình và mời bà Tô đến ở cùng. Dù không có quan hệ huyết thống với bà Tô nhưng cả gia đình ông Từ đều coi bà như người thân. Chăm sóc cho bà từng ly từng tý, từ quần áo, thức ăn, chỗ ở và phương tiện đi lại.

Điều này khiến bà Tô, người đã cô đơn nhiều năm cảm nhận được sự ấm áp của gia đình.

Ông Từ Huệ Minh

Năm 2008, ngôi nhà của ông Từ thuộc diện phải phá dỡ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình ông phải chuyển đi nơi khác. 

Cả nhà ông Từ muốn đưa bà Tô đi cùng. Nhưng bà không chịu. Bà cho biết đã quen với cuộc sống ở nông thôn, không muốn làm quen với môi trường mới.

Thấy bà Tô không muốn rời đi, ông Từ không dám ép. Thay vào đó, ông thuê cho bà một căn nhà trong làng với giá 300 tệ/tháng.

Ở ngôi nhà mới, mỗi khi nghĩ đến việc bà Tô lớn tuổi sống một mình, ông Từ lại thấy không yên tâm. Khi có thời gian rảnh, ông lại đến thăm bà Tô, nói chuyện với bà để bà bớt buồn chán. Ngày lễ ngày Tết, cả nhà ông lại cùng nhau đến thăm bà, sắm sửa cho bà không khác gì mẹ ruột.

Năm 2012, bà Tô 88 tuổi, sức khỏe đã rất yếu. Bà đi không vững, không thể tự chăm sóc bản thân. Bà cần người túc trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, ông Từ vẫn phải đi làm nên không thể ở bên bà liên tục.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã đến gặp ủy ban làng, trình bày hoàn cảnh của bà Tô và những khó khăn của ông. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của ủy ban làng, bà Tô được đưa vào viện dưỡng lão gần đó.

Vấn đề lại đặt ra lúc này là tiền nộp cho viện dưỡng lão. Trong năm đầu tiên, bà Tô phải trả 1.700 tệ mỗi tháng, sang năm thứ hai, con số này tăng lên 2.000 tệ mỗi tháng.

Mặc dù bà Tô được hưởng bảo hiểm nông thôn và trợ cấp tuổi già hàng tháng tuy nhiên, tổng số tiền đó chưa đến 1.000 tệ. Nhà ông Từ không khá giả, ông chỉ là một công nhân bình thường nhưng vì thương hoàn cảnh của bà Tô, ông quyết định trả giúp bà khoản này. 

Bà Tô thứ hai từ phải sang

Sau khi bà Tô được đưa vào viện dưỡng lão, ông Từ vẫn thường xuyên đến thăm, mang hoa quả và đồ ăn cho bà. 

Những người ở cùng phòng luôn ghen tị với bà Tô, khen bà có người con trai hiếu thảo. Mỗi lần nghe vậy, bà cụ lại cười và giải thích rằng đây không phải con bà mà là hàng xóm.

Ngày 21/6/2017, bà Tô 93 tuổi nhập viện do chức năng thận bất thường.

Ông Từ và gia đình lại thay nhau chăm sóc bà trong bệnh viện, canh giữ suốt 8 ngày 8 đêm. Không ai trong số các y tá ở bệnh viện biết rằng họ chỉ là hàng xóm của bà cụ.

Ngày 29/6/2017, bà Tô trút hơi thở cuối cùng. Từ Huệ Minh lại gánh vác trọng trách lo tang lễ cho bà cụ, bởi trong thâm tâm, từ lâu ông đã coi bà Tô như người thân của mình.

Khoản tiền bất ngờ

Mọi việc liên quan đến bà Tô tưởng đã kết thúc, không ngờ 3 năm sau, ông Từ nhận được cuộc điện thoại của bí thư thôn.

Người đàn ông nói với ông Từ rằng ngôi nhà của bà Tô đã bị phá bỏ, và bà Tô nhận được hàng triệu tệ (hàng tỷ đồng -nv) từ tiền phá dỡ. Tuy nhiên, vì bà Tô không có người thừa kế nên lãnh đạo thôn cho rằng nó nên thuộc về ông Từ.

“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy nên đưa số tiền này cho ông Từ, dù sao ông ấy cũng đã có 30 năm chăm sóc cho bà Tô”, vị bí thư thôn nói với PV trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Từ rất bất ngờ về việc này. Ông nói rằng, việc chăm sóc cho bà Tô hoàn toàn xuất phát từ tình thương với người già neo đơn. Ông chưa từng nghĩ đến tài sản của bà. 

Tuy vậy, sau đó, tòa án Ninh Ba vẫn quyết định giao 50% số tiền của bà Tô cho ông Từ. Số tiền còn lại được tặng cho một người cháu họ của bà Tô và những người neo đơn, nghèo khó của làng. 

Năm 2020, ông Từ cũng nhận được danh hiệu "Người tử tế và hiếu thảo năm 2020" và được tuyên dương tại lễ khai mạc Lễ hội hiếu thảo Trung Quốc lần thứ 12.

Linh Giang (Theo 163)