- Ở Việt Nam, có những hòn đá quý được định giá cả chục tỷ, thậm chí trăm tỷ, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Hòn đá gần 30 tấn, giá chục tỷ đồng ở Đắk Nông
Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Đắk Mil để xác định vị trí, tọa độ nơi khai thác hòn đá bán quý canxedon (tên gọi khác là đá Ôpan) tại xã Đắk Gằn vào dịp trước Tết Ất Mùi để củng cố hồ sơ, xử lý hành chính đối với những người vi phạm.
Trước đó, tại rẫy cà phê của ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Đắk Gằn), một nhóm người đã dùng nhiều máy móc đào bới viên đá bán quý canxedon, sau đó vận chuyển lên xe đầu kéo đi tiêu thụ. Khi nhóm người này đang lưu thông trên quốc lộ 14 thì bị công an phát hiện, kiểm tra. Hòn đá được xác định là đá bán quý canxedon, thuộc diện nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán dưới mọi hình thức.
Người dân, đầu nậu đá mang máy móc khai thác rầm rộ |
Qua đo đếm, xác định hố khai thác rộng khoảng 30m2; hòn đá dài 4m, rộng 3,5m, cao 1,3m, khối lượng khoảng 18m3 (nặng khoảng 30 tấn). Hòn đá này được cho là to và nặng nhất được tìm thấy tại địa phương từ trước tới nay. Giá trị của hòn đá quý này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cận cảnh hòn đá bán quý canxedon nặng gần 30 tấn, có giá nhiều tỷ đồng |
Hòn đá quý ở Gia Lai bị 'bắt giam'
Vào năm 2013-2014, dư luận xôn xao về vụ việc một người dân kiện chính quyền ra tòa vì cho rằng UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã làm trái pháp luật khi xử phạt hành chính và tịch thu hòn đá quý của mình.
Theo đơn kiện của bà Trần Thị Sắc (ngụ xã H’Bông, huyện Chư Sê), khi gia đình bà đào ao lấy nước tưới hồ tiêu ở khu vườn thì phát hiện hòn đá lạ. Vì thấy hòn đá đẹp nên gia đình bà đã thuê xe chở về và bị chính quyền huyện tịch thu, đưa về trụ sở UBND huyện. Sau khi đưa về trụ sở UBND huyện, cục đá của bà Sắc đã được chính quyền huyện xuất ngân sách đóng lồng sắt để... “giam”.
Cục đá của bà Sắc khi còn được "bảo vệ cẩn thận" tại UBND huyện |
Cục đá của bà Sắc sau đó được lấy mẫu kiểm định, kết quả cho thấy, đây là cục đá bán quý thuộc dòng đá silic casidol, có tổng trọng lượng 7.800 kg.
Theo báo NLĐ, để giải quyết vụ việc, bà Sắc và đại diện UBND huyện Chư Sê đã nhiều lần thương lượng với nhau. Cuối cùng, bà Sắc đã đồng ý nhận 110 triệu đồng tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển khai thác “hòn đá lạ” từ UBND huyện Chư Sê.
Cục đá của bà Sắt được trưng bày tại quảng trường Đại Đoàn Kết. |
Khối ngọc bích lớn nhất thế giới trị về VN
Khối đá ngọc bích lớn nhất thế giới đã xuất hiện ở VN, do Công ty Thần Châu Ngọc Việt mua được. Người chủ đầu tiên của khối đá kể lại rằng khối ngọc bích này xuất hiện bất ngờ ở vùng mỏ đá quý ở Myanma, sau một trận sấm sét.
Năm 2006, khối ngọc bích nói trên được đưa đến Hội chợ đấu giá ngọc Yangon trước sự ngạc nhiên, sửng sốt của cả vạn doanh nhân buôn ngọc trên thế giới. Khối ngọc bích có trọng lượng 35 tấn, chất lượng rất tốt, màu sắc hài hòa và nhất là khối ngọc gần như không có vết nứt. Tại cuộc đấu giá, nó đã thuộc về một công ty buôn ngọc lớn của Trung Quốc với giá 2,8 triệu euro (hơn 60 tỷ đồng Việt Nam).
Ông Đào Trọng Cường bên khối ngọc bích 35 tấn. |
Sau cuộc đấu giá đó khoảng 3 năm, không ngờ cơ duyên và vận may lại đến với ông Cường và Công ty Thần Châu Ngọc Việt. Năm 2009, ông sang Trung Quốc và mua được khối đá này với giá 5 triệu USD (khoảng 105 tỷ đồng). Khối đá sau đó được chế tác thành pho tượng Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni phát hào quang.
Vầng hào quang bí ẩn trên khối ngọc bích 35 tấn. |
Tại xưởng chế tác ngọc quý
của công ty Thần Châu Ngọc Việt ở Hải Dương, camera tự động đặt tại xưởng đã ghi lại được hình ảnh về các vầng hào quang
bí ẩn xuất hiện xung quanh khối đá.
Bộ sưu tập đá tiền tỷ của đại gia Đồng Nai
Ông Châu Chí Hùng (53 tuổi, ngụ P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đang sở hữu bộ sưu tập khổng lồ với gần 3.000 chủng loại đá và khoáng thạch. Đây là thành quả của 20 năm ông lặn lội khắp Việt Nam tìm kiếm.
Cách đây 20 năm, từ vị trí phó giám đốc của công ty lên đến 600 người, nhưng vì mê đá, ông Hùng đã nghỉ việc để xuôi ngược tìm đá. Có những viên được trả cả tỷ đồng nhưng ông không bán.
Bộ sưu tập khổng lồ với gần 3.000 chủng loại đá và khoáng thạch của ông Hùng |
Để có thu nhập phục vụ sưu tầm đá, ông mở quán ăn. Bao nhiêu lợi nhuận, ông đều đổ vào đá, khi thiếu thì vay mượn bạn bè. Chỉ cần biết ở đâu có đá quý, đẹp là lên đường.
Đại gia này dành hết không gian nhà, sân vườn rộng gần 2.000 m2 làm nơi trưng bày đá quý. Những viên đá đủ kích thước, màu sắc, hình dáng... được ông để trang trọng trên những kệ gỗ. Ông còn mở hẳn một xưởng rộng 800 m2 để chế tác đá. Những viên đá ông sở hữu không chỉ quý mà còn độc đáo, có một không hai ở Việt Nam.
Viên đá phát ra ánh sáng màu xanh ngọc bích rất đẹp trong đêm (ảnh Zing) Viên đá hóa thạch trầm tích vẫn còn nguyên hình dáng xương cá của ông Hùng có niên đại 100 - 180 triệu năm, có người đã trả giá đến 1,2 tỷ. |
Viên đá cảnh trị giá tiền tỷ bị đánh cắp
Nghệ nhân Đoàn Giàu nổi tiếng không chỉ vì tham gia nhiều tổ chức, trong đó có Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam, mà chủ yếu là nhờ bộ sưu tập đá cảnh trên nghìn tác phẩm. Trong đó, đáng kể nhất là tác phẩm có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đá của nghệ nhân Đoàn Giàu có chân dung Hồ Chủ tịch đã bị đánh cắp. |
Tác phẩm độc nhất vô nhị này của nghệ nhân Đoàn Giàu còn vượt ra ngoài biên giới, nhiều nhà sưu tầm đá cảnh ở một số nước cũng “đánh tiếng” hỏi mua lại viên đá với cái giá rất cao. Trong nước, đã có người hỏi mua với giá tiền tỷ nhưng nghệ nhân Đoàn Giàu không bán.
Thế nhưng, một ngày nọ, tác phẩm “quý hơn bất kỳ thứ tài sản nào” ấy của Đoàn
Giàu đang để trong nhà bỗng dưng... không cánh mà bay!
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)