Hiệu ứng lan toả từ Samsung

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc bắt đầu rót vốn 1 tỷ USD đầu tư vào Bắc Ninh từ năm 2014. Sau 7 năm, các hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển giữa chính quyền tỉnh và tập đoàn này mới bắt đầu thực sự chặt chẽ trong khoảng 2 năm gần đây.

Minh chứng là cú bắt tay 3 bên: Ngày 21/9/2020, Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh đã được lập và thông qua.

Theo đó, Samsung sẽ tài trợ các chương trình cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh gồm, tư vấn cải tiến sản xuất và phát triển nhà cung ứng.

{keywords}
Bắt tay với Samsung, cơ hội vàng cho Bắc Ninh dẫn đầu về công nghiệp hỗ trợ

“Chương trình tư vấn” diễn ra từ ngày 13/10/2020 đến ngày 18/12/2020  tại 5 công ty: Công ty Cổ phần nhựa Zion (Zion), Công Ty TNHH Trần Thành (Trần Thành) , Công ty TNHH Thương mại cơ khí và ứng dụng công nghệ thông minh Việt Nam (SMT) , Công ty Cổ phần chế tạo máy Autotech Việt Nam (Auto Tech) , Công Ty CP SX Phụ Tùng Ô Tô Và Thiết Bị Công Nghiệp JAT (JAT).

Đối với “Chương trình Phát triển nhà cung ứng”, theo Sở Công Thương Bắc Ninh, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp I cho Samsung với  tổng doanh thu là hơn 75 triệu USD, chiếm khoảng 3,05% tổng doanh thu của các nhà cung ứng trên địa bàn tỉnh, tăng 0,39 điểm % so với năm 2019.

Tỉnh có 29 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp II với tổng doanh thu là gần 28 triệu USD. Số lượng nhà cung ứng cấp II. Con số này giảm 2 doanh nghiệp so với năm 2019 tuy nhiên doanh thu tăng cả về giá trị và tỉ lệ.

{keywords}
Doanh nghiệp được trao chứng nhận cải tiến sản xuất

Đây là các kết quả đáng khích lệ. Ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, qua hợp tác với Samsung cho thấy kinh nghiệm: Cơ quan nhà nước nắm cần bắt đầy đủ thông tin của các tập đoàn và tích cực đề nghị các tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua các cuộc làm việc ở cấp cao nhất, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó đề nghị các tập đoàn cam kết triển khai các nội dung hỗ trợ.
Bên cạn đó, cần xây dựng kế hoạch triển khai việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn theo lộ trình cụ thể, trong đó phải lựa chọn được các doanh nghiệp tham gia để đạt hiệu quả cao nhất.

Xác định thế mạnh địa phương để có chiến lược phù hợp

Đầu tư vào sản xuất công nghiệp đòi hỏi huy động có nguồn lực, kinh nghiệm và là chến lược đầu tư dài hạn. Do vậy, để phát triển CNHT thì chính sách phải ổn định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, mở ra cơ hội thị trường thực sự hấp dẫn nhằm khuyến khích, tạo sự yên tâm để thu hút được nguồn vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực sản xuất CNHT.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP Về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 tại Quyết định 68/QĐ-TTg ngày ngày 18 tháng 01 năm 2017 với các nội dung ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, việc triển khai thực hiện còn chậm.

"Theo tôi đánh giá còn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do chính sách còn gặp nhiều vướng mắc. Về Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thì ngoài ưu đãi về thuế, các nội dung ưu đãi còn lại về tín dụng, tiền thuê đất chưa thực hiện được do thiếu hướng dẫn cụ thể", ông Thực cho hay.

Đến nay, toàn tỉnh có 450 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, việc xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT ưu tiên phát triển theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh mới xác nhận cho 4 doanh nghiệp CNHT nhỏ và vừa thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn: Công ty Cổ phần MJT Technology, Công ty TNHH Vinatech Vina, Công ty TNHH Thương mại cơ khí và Ứng dụng công nghệ thông minh Việt Nam, Công ty TNHH Dr Tech Vina.

Đây là con số còn hạn chế so với thực tế. Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, để nâng cao vai trò của địa phương trong phát triển CNHT, cần có chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp trong đó xác định thế mạnh của từng địa phương, khu vực phát triển để có chính sách phù hợp tăng cường các mối liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hình thành các cụm liên kết gia tăng hiệu quả đầu tư.

Cần luật hóa các quy định về phát triển công nghiệp làm cơ sở pháp lý xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ, tăng cường phân cấp, phát huy vai trò và sự chủ động của địa phương trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, triển khai các chương trình phát triển CNHT.

Theo Chiến lược phát triển công nghiệp và Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh, tỉnh xác định mục tiêu CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Thu Ngân

Con đường trở thành vendor cấp 1 cho Samsung: Khó nhưng làm được

Con đường trở thành vendor cấp 1 cho Samsung: Khó nhưng làm được

Chỉ trong vòng 1 năm sau khi gặp thất bại, ông Đàm Việt Hùng- Chủ tịch công ty Thịnh Vượng đã phải làm lại từ đầu, nhưng sau đó nhanh chóng vươn lên trở thành vệ tinh cấp 1 của Tập đoàn Samsung.