Mất vị trí thứ hai nhưng chưa chắc bầu Đức đã không là người giàu thứ hai...
Ông Long Hòa Phát âm thầm chiếm chỗ bầu Đức
Kết thúc tháng 11/2015, ông Đoàn Nguyên Đức mất vị trí giàu thứ 2 sàn chứng khoán.
Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao trong chiến lược phát triển kinh tế, cụ thể hơn 1 năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai có kết quả kinh doanh ổn định: năm 2014 lãi ròng 1.475 tỷ đồng và 1.131 tỷ đồng cho 9 tháng đầu năm 2015. Tập đoàn này đang dịch chuyển cơ cấu kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ tập trung vào bất động sản như trước.
Bầu Đức bị mất vị trí thứ 2 trên sàn chứng khoán |
Tại đại hội đồng cổ đông tháng 4/2015, bầu Đức cho biết “đáng lẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% nhưng phát sinh việc nuôi bò nên cần phải tính toán lại vì cần nguồn vốn lên tới 7.000 – 8.000 tỷ đồng”.
Có lẽ chính vì mua thêm 5 triệu cổ phiếu HAG trong tháng 5/2015 nhưng do giá chứng khoán đi xuống quá mạnh là nguyên nhân khiến tài sản của bầu Đức tuột dốc. Trong nháy mắt, vị trí thứ hai đã bị ông Trần Đình Long soán ngôi, bầu Đức chấp nhận tụt xuống vị trí thứ 3.
Trao đổi với báo Đất Việt nhiều chuyên gia nhận định, vị trí xếp hạng trên thị trường chứng khoán trên chỉ cho thấy ai nhiều tiền, ai ít tiền chứ không thể chứng minh bầu Đức giàu hay nghèo hơn Bầu Long.
Không chứng minh giàu nghèo
"Vị trí xếp hạng trên sàn chứng khoán không chứng minh được người giàu, người nghèo. Chỉ là cho biết, người đó có tiền hay không mà thôi", một chuyên gia giấu tên cho biết.
Theo vị chuyên gia trên, bảng xếp hạng trên thị trường chứng khoán là dựa trên số cổ phiếu nhân với giá tiền bán ra trên thị trường để nói lên người có cổ phiếu nhiều nhất trên thị trường chứng khoán. Vì thế, số cổ phiếu nhiều nhiều nhất cũng chưa chắc người đó sẽ giàu nhất hay cổ phiếu ít cũng chưa hẳn người đó sẽ nghèo.
"Giàu nghèo phải phụ thuộc vào tổng giá trị tài sản thực có, bao gồm cả tài sản đã lên sàn và chưa lên sàn như BĐS, nhà ở, xe cộ... do đó, bảng xếp hạng không thể phân cao thấp, giàu nghèo", ông nói.
Phân tích rõ hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, tâm lý của các đại gia hiện đang theo hai xu hướng rõ ràng, một là thích công khai tài sản để nổi danh; hai là, giấu tài sản để được yên thân.
Sử dụng cách nào đều nằm trong chiến lược phát triển đã được tính toán trước của họ.
Thậm chí lại có những người chỉ thích sống hoàn toàn trong ''bóng tối''. Vì thế, khi nói về bảng xếp hạng trên thị trường chứng khoán, cá nhân ông không đặt niềm tin vào sự chính xác trong các bảng xếp hạng của VN vì một số lý do sau: Thứ nhất, sự thiếu minh bạch trong tài chính, kinh doanh. Rất nhiều thông tin về tài sản không được công khai, minh bạch. Vì thế, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa khi mọi thông tin về tài chính, tài khoản được công khai, minh bạch.
Ông lấy ví dụ, bên Mỹ hàng năm các cá nhân, doanh nghiệp đều phải khai thuế. Trong đó các con số về thu nhập, tài sản đều phải minh bạch. Họ cũng phải tuyên thệ và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của mỗi con số được khai. Tất nhiên, không tránh khỏi những trường hợp cá biệt.
Trong khi đó, ở VN vấn đề minh bạch tài chính chẳng khác nào "mò kim đáy biển", mỗi nơi một con số, mỗi người một báo cáo không biết ai đúng, ai sai.
"Ngay trường hợp của ông Hà Văn Thắm, cũng từng được xếp hạng trong 10 người giàu nhất VN nhưng nháy mắt đã nằm trong diện phải điều tra. Có những người được tôn vinh nhưng tài sản chưa chắc đã là của họ", ông Hiếu nói đó là lý do ông không tin vào con số hay bảng xếp hạng ở VN, vì độ tin cậy quá thấp.
Thứ hai, bảng xếp hạng chỉ dựa trên chỉ số vốn hóa của chứng khoán. Nghĩa là số chứng khoán cá nhân sở hữu nhân với giá thị trường của số cổ phiếu đó, dựa trên chỉ số vốn hóa đó người ta sẽ xếp hạng được cao hay thấp. Vấn đề ở VN là chưa bao giờ người ta kê khai đúng, đủ tài sản. Số tài sản nhìn thấy chỉ là tài sản nổi, còn tài sản chìm thì cá nhân họ mới rõ. Đó là lý do thứ hai, cho biết vì sao tụt hay tăng hạng trên bảng xếp hạng thị trường chứng khoán không chứng minh được giàu nhất hay nghèo nhất.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cảnh báo việc xếp hạng trên ít nhiều sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tiếng tăm, uy tín, hình ảnh của mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng như công việc làm ăn của họ.
Theo Đất Việt