- Sau khi luật sư của mình vừa trình bày xong một phần bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã có ý kiến với HĐXX, đòi tự bào chữa. HĐXX cho biết, theo quy định, luật sư bào chữa trước rồi mới đến phần trình bày của bị cáo.

PHIÊN XỬ BẦU KIÊN NGÀY 27/5:

Bầu Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù

Sáng 27/5, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với 30 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Lý luận buộc tội của VKS vụ bầu Kiên

Sáng 27/5, đại diện VKS đã đưa ra quan điểm luận tội của mình đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên. VKS đề nghị mức án chung cho cả 4 tội là 30 năm tù giam.

Chiều 27/5, phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

HĐXX dành thời gian để các luật sư bào chữa cho các bị cáo bị cáo buộc tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.

Bị cáo đòi bào chữa thay luật sư

Ông Ngô Huy Ngọc - luật sư của Nguyễn Đức Kiên trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình:

Theo ông Ngọc, tại thời điểm bị cáo Kiên bị quy kết phạm tội, sau đó rất lâu hợp đồng giữa ACB và Cty Hòa Phát vẫn tiếp tục thực hiện, các bên vẫn đang thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Các DN đang thực hiện giao dịch dân sự.

{keywords}
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa - Ảnh: Tuyết Nhung

Theo luật sư, quy kết việc bị cáo Kiên chỉ đạo lập khống biên bản họp là không chính xác. VKS cho rằng, HĐQT của ACB không họp mà lập biên bản họp thì gọi là lập khống.

Theo luật sư, trong Luật DN có quy định, hình thức họp HĐQT, không cần phải tuân theo hình thức họp của các DN hiện nay; Luật đưa ra quy định- có thể họp dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có họp bằng văn bản, thể hiện ý chí của những người tham gia cuộc họp. Cuộc họp này là có thật, đúng ý chí của những người tham gia. Việc cho rằng lập biên bản họp khống chỉ là sự suy diễn.

Vẫn theo luật sư Ngọc, VKS cho rằng, do tin tưởng ACB nên 21/5/2012, đại diện thép Hòa Phát ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, sau 18 ngày số tiền mới được chuyển, nó liên quan đến việc hoán đổi cổ phần cổ phiếu giữa ông Trần Đình Long và ông Kiên.

Trong cáo trạng và hồ sơ vụ án không nói điều này. Việc hoán đổi 20 triệu cổ phần bằng hơn 200 tỷ đồng không trái pháp luật.

“Quy kết ông Kiên chiếm đoạt tiền của Hòa Phát là quá đau đớn: Luật dân sự quy định, quyền và nghĩa vụ phát sinh là doanh nghiệp chịu chứ không phải cá nhân”, luật sư trình bày.

Đối với vấn đề đánh giá và sử dụng chứng cứ: luật sư cho rằng, hợp đồng giữa ACB và Hòa Phát là dân sự, nếu có tranh chấp, không tự giải quyết được thì dùng trọng tài kinh tế hoặc kiện nhau ra tòa chứ không phải dùng đến công an.

Cũng theo ông Ngọc, từ hợp đồng kinh tế đang sử dụng bình thường lại dùng để chứng minh vụ án rằng bị cáo Kiên phạm tội lừa đảo là không thỏa đáng.

Luật sư: Ông Thanh và bà Yến không phạm tội

Bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, VKS đề nghị mức án quá nặng đối với bị cáo Thanh.

Theo luật sư này, hành vi của ông Thanh thì có nhưng tội danh thì còn phải xem xét.

Luật sư Thanh đưa ra quan điểm, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì ông Trần Ngọc Thanh không lừa dối, không có mục đích, không được ăn chia, không thống nhất ý chí, không thỏa thuận với ông Kiên, chỉ đơn thuần là thừa hành ý kiến lãnh đạo, chỉ là người làm công ăn lương với số tiền 5 triệu đồng/ tháng.

Luật sư cho rằng, ông Thanh không có quyền đề xuất ý kiến, luôn phải tuân thủ ý kiến chỉ đạo của ông Kiên. Bản thân ông Kiên cũng xác nhận ông Thanh chỉ làm theo chỉ đạo của ông ta.

“Tại phiên tòa, anh Công không biết anh Thanh là ai. Tôi tạm thời đánh giá hợp đồng 0105 là hợp đồng dân sự. Và đã là hợp đồng thì phải được thỏa thuận, bàn bạc với nhau. Nhưng trên thực tế anh Công và anh Thanh không biết nhau.

Và tôi cho rằng bên A và B bàn bạc thỏa thuận rất rõ trên hợp đồng nhưng thực ra họ lại không biết nhau. Các điều khoản thỏa thuận là người khác thỏa thuận và thỏa thuận như thế nào thì anh Thanh không biết.

Việc ông Kiên ký nháy vào hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu, đồng nghĩa với việc bị cáo Thanh chỉ là người thừa hành”, lời luật sư.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, ông Phạm Thanh Phong trình bày: Tôi có chung quan điểm với luật sư của bị cáo Thanh, cho rằng, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện và buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của người thuê lao động là ông Kiên...

Theo luật sư này, việc nhận chỉ đạo không phải là việc tiếp nhận ý chí của người chỉ đạo. Bị cáo Yến lập biên bản là theo mẫu. Làm theo chỉ đạo mà bị quy kết vai trò đồng phạm là không thỏa đáng.

16h15 phiên tòa tạm nghỉ sau khi ông Nguyễn Đức Kiên đòi tự bào chữa thay luật sư của mình.

T.Nhung