Hẹn gặp ông Toàn tại vườn cây của ông ở TP.Việt Trì, chúng tôi thật sự choáng ngợp ngay từ khi bước chân vào cổng. Án ngữ 2 bên lối đi là những chậu cây tùng, đề cổ có đường kính từ 1,5 - 2m.
Ông Phan Văn Toàn bên cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần" mà ông vừa bỏ ra 28 tỷ đồng để sở hữu |
Trao đổi với Dân Việt, ông Toàn cho biết: "Khu vườn này đã được tôi vun đắp, nuôi dưỡng gần 20 năm nay. Những ngày đầu, tôi cũng chỉ chơi những cây bonsai bình thường, dần dần tôi có đam mê mãnh liệt với các loại cây tùng, cây sanh cổ và luôn truy tìm để mang về vườn của mình".
Vườn cây cảnh của ông toàn với nhiều cây quý, độc nhất vô nhị |
Theo thống kê, hiện nay, vườn của ông Toàn có gần 500 cây, trong đó có 30 cây thương hiệu, 18 cây được trao bằng di sản văn hóa của nhà nước. Khu vườn của ông Toàn còn được trao bằng chứng nhận "Bảo tàng cây cảnh nghệ thuật di sản" duy nhất ở Việt Nam cho đến nay và được bầu chọn 1 trong 10 khu vườn đẹp nhất thế giới.
"Trong bộ sưu tập của tôi, có lẽ quý giá nhất là cây tùng cổ tuổi đời 600 năm do chính vua Quang Trung trồng. Để sở hữu được cây tôi đã trải qua nhiều khó khăn, vào tận Bình Định thuyết phục gia chủ, sau đó làm lễ xin cây mang về nhà, phải thực sự thành tâm thì cây mới chịu theo tôi. Ngoài ra, tôi còn đang sở hữu rất nhiều cây mang giá trị lịch sử như cây đề của Tổng thống Thiệu, cặp cây khế cổ của vua Gia Long...", ông Toàn vui vẻ chia sẻ.
Cây tùng cổ tuổi đời 600 năm do chính vua Quang Trung trồng |
Giữa tháng 6 vừa qua, ông Toàn đã bỏ ra 28 tỷ đồng để sở hữu cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần". Ông Toàn cho biết, bản thân ông đã theo đuổi cây sanh "Tiên lão giáng trần" từ lâu và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa cây này về bộ sưu tập "cây khủng" với giá trị gần nghìn tỷ đồng trong vườn của mình.
Theo ông Toàn, cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần" nguyên là một cây cổ trên 300 năm tuổi, đứng đầu bảng trong những cây quý nhất Việt Nam.
Hiện trong vườn nhà ông Toàn có 18 cây được trao bằng di sản văn hóa của nhà nước |
Trước đó, vào tháng 2/2020, tác phẩm sanh cổ "Tiên lão giáng trần" của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) mới được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí (Thường Tín) với giá 16 tỷ đồng.
Cây "Tiên lão giáng trần" có nguồn gốc là ngọn của một cây sanh khác, được ông Mười cắт ra và chăm sóc trong khoảng hơn 10 năm.
Cận cảnh cây và bộ rễ "khủng" cây sanh cổ "Tiên lão giáng trần" |
Giá trị nhất của "Tiên lão giáng trần" nằm ở bộ rễ đẹp. phần thân kỳ quái của cây. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không có công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.
Giới chơi cây cảnh đều cho rằng, tác phẩm "Tiên lão giáng trần" xứng đáng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng tác phẩm cây cảnh nghệ thuật là đứa con tinh thần được kết tinh bao giá trị văn hóa, sáng tạo lao động, những trải nghiệm và thăng trầm mà không dễ gì một đời người có được.
(Theo Dân Việt)