Hậu trường phim “Bẫy cấp 3” chuẩn bị ra mắt hé lộ chuyện người mẫu Hoàng Oanh thay vai của Elly Trần vào phút chót.

TIN BÀI KHÁC

Dĩ nhiên, chuyện thay vai này không nói lên được Hoàng Oanh có tài diễn xuất hơn Elly Trần hay không, vì diễn xuất không phải là nghề chuyên nghiệp của các cô. Cũng như, chuyện gì đã xảy ra trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất và diễn viên. Nhưng có một điều chắc chắn: bộ phim cần đến một cô nàng nóng bỏng và đơn giản, như đúng nhân vật trong kịch bản và như đòi hỏi của thủ thuật PR.
Hoàng Oanh trong vai Trang của phim “Bẫy cấp 3”
Trước đó, bộ phim kinh dị dành cho tuổi mới lớn trên cũng gây được chú ý nhờ thông tin về sự góp mặt của Kiều Trinh, nữ diễn viên gây ồn ào vì tung những đoạn video phô bày ảnh mát mẻ của chính mình. Tuy nhiên, những “đóng góp” bằng tai tiếng của Kiều Trinh đến nay đã dừng lại. Nhà sản xuất cho biết vào phút chót đành phải cắt vai diễn rất nhỏ của cô để phim gọn hơn trong thời lượng 93 phút.

Ai cũng biết đây không phải là chiêu trò gì mới trong ngành sản xuất phim Việt hiện nay. Nhưng cách mà nó tạo được hiệu quả truyền thông quả hẳn sẽ khiến cho các bậc phụ huynh phải giật mình. Bởi một thực tế hiển hiện: một bộ phận khán giả đang đến rạp để “thưởng thức” điện ảnh thông qua những bộ phim có “diễn xuất” của những ngôi sao thời thượng, nổi lên không nhờ tài năng mà nhờ những chuyện bê bối, lộ hàng, khoe của, hay “ngực khủng”…
  Nam Thành vai Minh và Mi Minh vai Hằng trong phim “Bẫy cấp 3”
Tất nhiên, sẽ chẳng có chuyện gì phải bàn thêm khi mọi người xem phim đều xác định đó là để giải trí, không ngộ nhận về những giá trị đích thực của nghệ thuật. Nhưng thiết nghĩ, bên cạnh hệ thống đánh giá của báo chí, đã đến lúc các hệ thống phát hành và sản xuất phim Việt nên làm thường xuyên các cuộc khảo sát, thống kê đánh giá của khán giả. Các số liệu này cần được công khai số liệu trên các phương tiện truyền thông để giúp người xem phim biết đâu là giá trị chung được nhìn nhận bởi số đông, đâu chỉ là những trò giải trí đơn thuần.

Nói đi cũng cần nói lại. Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh còn nhỏ bé và lạc hậu, các nhà làm phim Việt đang cần những bộ phim chiều khán giả tối đa, chấp nhận hi sinh những ý đồ nghệ thuật “cao siêu”, để có được lợi nhuận dành cho việc tái đầu tư vào rạp chiếu và sản xuất phim. Dĩ nhiên, ai cũng biết là mức độ chiều chuộng cần phải nằm trong phạm vi thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống.

Khải Trí