Đại dịch Covid-19 tác động đáng kể lên mọi mặt của đời sống, nền kinh tế và đương nhiên có cả tìm kiếm công việc làm của bạn. Một số công ty đã thay đổi cơ cấu, cắt giảm nhân viên, giảm lương, giảm giờ làm và đồng thời không tuyển dụng.
Bên cạnh đó cũng có những công ty vẫn tuyển dụng và các website vẫn có những thông tin tuyển dụng mới hàng ngày.
Vì vậy dù đang có hay không một công việc thì bạn cũng lưu ý đến những điều sau đây. Bởi nó không chỉ giúp bạn tìm việc trong mùa dịch mà còn mở ra những cơ hội việc làm trong tương lai.
1. Gạt bỏ rào cản
Đôi khi chúng ta tự dựng lên những rào cản, chúng sẽ cản trở và trì hoãn thực hiện tìm kiếm công việc mới.
Ví dụ như "dịch Covid-19 thế này không đâu tuyển", "ngành mình học khó kiếm việc"..., đó chính là những rào cản đầu tiên mà chúng ta cần gạt bỏ. Chúng ta cần sẵn sàng học tập và thay đổi, sẵn sàng cho những cơ hội và phương thức làm việc mới.
2. Xây dựng những mối quan hệ thật trên môi trường ảo
Hãy tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với người khác khi tham gia các nhóm chuyên môn trên Facebook và LinkedIn. Đây là 2 nền tảng có nhiều lựa chọn cho mọi ngành nghề và bạn có thể kết nối với những người cùng nghề hay những nhà tuyển dụng.
Ngoài ra bạn cũng nên chăm sóc lại những mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp hay sếp cũ. Đây là những người trong ngành vì vậy họ có thông tin việc làm qua mạng lưới riêng và có thể giới thiệu bạn.
3. Cập nhật CV
Thay vì việc rải CV bằng cách gửi cho hàng loạt công ty, hãy dành thời gian nghiên cứu về công việc và công ty bạn quan tâm. Chỉnh lại CV theo công việc và làm nổi bật những kỹ năng phù hợp. Nên khéo léo nêu lên những kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến ứng dụng công nghệ hay chuyển đổi số vì đây sẽ là thứ mà nhiều công ty quan tâm.
Bên cạnh đó cũng nên quan tâm đến hình thức CV, bạn có thể sử dụng các ứng dụng online để dễ dàng tạo một CV đẹp.
4. Kiếm việc qua những kênh uy tín
Các kênh online như mạng xã hội, các nền tảng tuyển dụng hay vẫn là cách tốt nhất để có nhiều lựa chọn. Bạn có thể tìm kiếm các nền tảng này bằng cách gõ các từ khóa "tìm việc", "việc làm", "tuyển dụng", "nền tảng tuyển dụng".... Hãy tham khảo những công việc và Công ty trên những nền tảng này và tìm công việc phù hợp.
Sử dụng mạng xã hội thì cả Facebook và LinkedIn đều đang là những kênh tìm việc được sử dụng. Tuy nhiên nên ưu tiên Linkedin vì nó được sử dụng bởi những doanh nghiệp, các cá nhân chuyên nghiệp nhằm mục đích tìm việc, tuyển dụng, chia sẻ câu chuyện về công việc, phát triển nghề nghiệp.
5. Làm quen với phỏng vấn từ xa
Giờ đây, các cuộc phỏng vấn qua video đang dần thay thế việc gặp gỡ trực tiếp. Điều đó có nghĩa là bạn không chỉ trông chuyên nghiệp mà còn phải tạo ra sự kết nối cảm xúc với người phỏng vấn. Vì vậy bạn nên có những kỹ năng phỏng vấn qua video.
Một số lưu ý cần thiết khi bạn thực hiện phỏng vấn video như: nhìn vào webcam và giao tiếp bằng ánh mắt, ăn mặc chuyên nghiệp, phông nền sạch sẽ, gọn gàng, gật đầu và mỉm cười thường xuyên.
6. Không ngừng hoàn thiện bản thân
Đây thời điểm hoàn hảo để nâng cấp bản thân. Những kỹ năng mềm đặc biệt là những kỹ năng làm việc trong thế giới số là những thứ được ưu tiên. Ngoài ra việc trau dồi ngoại ngữ và học thêm những chứng chỉ chuyên môn sẽ giúp bạn mở ra nhiều cơ hội hơn trong mùa dịch và sau này.
7. Dành thời gian phân tích
Thông thường chúng ta sẽ quan tâm ngay vào cơ hội đầu tiên hoặc những thông tin hấp dẫn về mặt tài chính. Đấy chính là rủi ro khi lựa chọn những công việc không phù hợp, thậm chí bị lừa.
Hãy dành thời gian phân tích các công việc để lựa chọn và tập trung vào các cơ hội phù hợp. Đặc biệt chú ý những đề nghị đầu tư, không rõ thông tin nhà tuyển dụng là những điều nên tránh bởi bạn có thể bị lừa hoặc bị lấy thông tin cá nhân cho những mục đích xấu.
Cho dù ảnh hưởng của dịch bệnh thì vẫn còn khá nhiều những cơ hội công việc được mở ra. Vấn đề của chúng ta phải sẵn sàng bằng cách học hỏi những kiến thức, kỹ năng và cách làm mới. Chúng ta không thể đạt kết quả mới bằng một cách làm cũ. |
(Theo Dân Trí)
Trả lương 5.000 USD/tháng, ứng viên vẫn 'lắc đầu'
Thị trường việc làm "đóng băng" khiến nhiều doanh nghiệp CNTT thiếu nhân sự trầm trọng. Vị trí chất lượng liên quan đến AI, Data engineer, Blockchain được trả lương đến 5.000 USD vẫn khó tìm nhân sự.