Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xây dựng Quyết định của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không. Đáng chú ý, tại văn bản này, Cục Hàng không VN đề xuất sẽ áp giá cao nếu muốn bay giờ cao điểm.
Áp giá cất, hạ cánh theo khung giờ
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, thực tế, việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không (CHK) hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội. Do vậy, Cục Hàng không VN đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ nhằm tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các CHK.
Cơ quan này cũng đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ cất, hạ cánh theo hướng tăng, đảm bảo đủ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn theo định hướng của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn chế.
Theo Cục Hàng không VN, việc tăng giá dịch vụ bay giờ cao điểm nhằm mục đích để các hãng hàng không điều chỉnh bay phù hợp |
“Mức giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định 5 năm (từ 2011 đến nay)”, ông Thanh nói và cho biết thêm, so với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay với chuyến bay nội địa của Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 47-67% tùy loại tàu bay.
Trước đó, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết, để đảm bảo doanh thu về dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ (hòa vốn), mức giá dịch vụ cất, hạ cánh cần được điều chỉnh tăng tới 225% so với mức giá hiện tại. Và để có thể lãi 10%, con số này cần được điều chỉnh tăng tới 258%.
Tuy nhiên, được biết, trong lần đề xuất này, đối với các CHK nhóm A, B, Cục Hàng không VN đề xuất giờ bình thường, áp dụng mức giá dịch vụ tăng 15% so với mức hiện hành. Mức giá này tại giờ cao điểm sẽ được tăng lên 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm. Các CHK nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định đối với CHK nhóm B trong giờ cao điểm.
Khung giờ cao điểm được tính là khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của CHK. Khung giờ thấp điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0-30% so với giới hạn khai thác của CHK. Khung giờ bình thường là thời gian hoạt động trừ khung giờ cao điểm và thấp điểm. |
Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không VN cũng đề xuất lộ trình điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/7, tăng 5%. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành.
Như vậy, trong giờ cao điểm, mức giá cất, hạ cánh áp dụng từ ngày 1/7 với tàu bay ATR 70 là 698 nghìn đồng/lần, tàu A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần.
Về đề xuất này của Cục Hàng không VN, chiều 14/3, đại diện các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet Air - những đơn vị chịu tác động trực tiếp từ đề xuất này đều từ chối bình luận, với lý do chưa nhận được đề xuất cụ thể từ Cục Hàng không VN cũng như ACV.
Cục Hàng không VN đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh chuyến bay quốc nội theo giờ cao - thấp điểm để các hãng hàng không điều chỉnh giờ bay hợp lý
Sẽ điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ hàng không
Cũng theo đề xuất của Cục Hàng không VN, mức giá một số dịch vụ hàng không sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Cụ thể, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với tuyến quốc tế (hiện tại là 1,5 USD) và 18.181 VND/khách đối với tuyến quốc nội (hiện tại là 9.090 VND).
Cục Hàng không VN đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh chuyến bay quốc nội theo giờ cao - thấp điểm để các hãng hàng không điều chỉnh giờ bay hợp lý |
“Thực tế, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý do ACV thu từ hành khách không chỉ đơn thuần là soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà còn bao gồm nhiều dịch vụ khác như: An ninh bảo vệ tàu bay, an ninh cho khách chậm, nhỡ chuyến, quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh trong 24 giờ, nhận dạng hành khách… Về mức giá dịch vụ an ninh hàng không hiện hành, phía ACV cho biết, mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đang áp mức 6 USD/khách, Myanmar 6,5 USD/khách, Campuchia 3 USD/khách và Trung Quốc là 2 USD/khách (cả quốc nội và quốc tế).
“Nhằm mục đích nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, Cục Hàng không VN nhận thấy việc điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ đảm bảo an ninh là phù hợp”, ông Thanh khẳng định.
Đối với giá dịch vụ hành khách tại CHK, được biết, mức thu đề xuất áp dụng đối với hành khách nội địa tại CHK nhóm A là 90.909 VND, nhóm B là 72.727 VND và nhóm C là 54.545 VND.
Liên quan đến mức giá này, đại diện ACV - đơn vị đang quản lý, khai thác 22 CHK trên cả nước cho biết, mức giá phục vụ hành khách quốc nội của Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 56% mức giá tương ứng bình quân khu vực ASEAN. Đó là chưa nói đến việc hiện nay, nhiều nhà ga phục vụ hành khách đã được cải tạo, nâng cấp, chất lượng phục vụ hành khách được nâng cao.
Đồng quan điểm, phía Cục Hàng không VN cho rằng, việc xây dựng giá phục vụ hành khách quốc nội cần được xem xét điều chỉnh, từng bước bù đắp chi phí về đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc nội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Bùi Á Đông, phụ trách Ban Tài chính - Kế toán ACV cho biết, nếu đề xuất này được Bộ GTVT chấp thuận, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.188 VND/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay). “Tỷ lệ quá nhỏ này không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay”, ông Đông khẳng định.
Phía hành khách, chi phí tăng không quá cao, chỉ 40.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm A (chiếm tỷ lệ 0,8% giá vé máy bay) và tăng 20.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm B (chiếm tỷ lệ 0,5% giá vé máy bay).
(Theo báo Giao thông)