Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. GDP dự kiến tăng chậm hơn năm 2023; giá hàng hóa cơ bản (nhiên liệu, lương thực, kim loại...) diễn biến phức tạp; các tổ chức IMF, WB, EIA đưa ra dự báo khác nhau về xu hướng của giá dầu năm 2024. Lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.

W-doanhnghiep.png

Với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.

Đối với thị trường BĐS, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật các TCTD (sửa đổi) đã được thông qua và nhiều văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành thực hiện được kỳ vọng là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cho thị trường BĐS phát triển bền vững; tăng nguồn cung nhà ở nhất là sản phẩm phục vụ người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách. Các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp (như chính sách giảm thuế VAT,…) tiếp tục được triển khai, các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư, các chính sách thương mại tiếp tục được củng cố và mở rộng,…sẽ tạo đà thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống, Thống đốc nhấn mạnh toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, dựa trên xếp loại theo Thông tư 52. Vì vậy các TCTD đã có thể đề ra chủ động kế hoạch kinh doanh, điều hành. “Năm nay các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các TCTD phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…”, Thống đốc đề nghị.

Để đạt mục tiêu đề ra, NHNN sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024 như sau:

Một là, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế;

Hai là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế;

Ba là, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Năm là, thường xuyên tổ chức các Hội nghị kết nối doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp theo vùng và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các NHTM đồng thời chủ động tổ chức Hội nghị khách hàng để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bảy là, tiếp tục triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2030, tầm nhìn 2045; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 06 vùng kinh tế.

Nhóm PV