- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã không còn đủ kiên nhẫn bám trụ với thị trường bất động sản (BĐS) nên đang tìm đường thoái lui. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lớn cũng thu gọn đầu tư bằng cách “nhả” các dự án mà họ đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc rút lui hay thu gọn vẫn không hề dễ dàng và cũng mang lại nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.



Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giao dịch của thị trường BĐS không nhiều, giá cả tiếp tục sụt giảm ở nhiều phân khúc nhà ở. Một số DN chủ động giảm giá căn hộ, bán hòa vốn thậm chí là bán lỗ, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khác hỗ trợ khách hàng song thị trường giao dịch BĐS vẫn trầm lắng.

Ở bối cạnh hiện tại, nhiều DN chia sẻ giá mà được quay trở lại quá khứ để đưa ra quyết định, không đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia đánh giá, rút khỏi thị trường là hành động khôn ngoan của các doanh nghiệp bất động sản vì nếu họ tiếp tục giằng co với thị trường bất động sản thì không khác gì tự đưa mình vào con đường phá sản. Nhưng trên thực tế, cũng không phải cuộc thoái vốn, rút chân nào của doanh nghiệp ra khỏi thị trường bất động sản cũng dễ dàng. Nhất là trong thời điểm hiện nay, đâu đâu cũng khó khăn và đâu đầu cũng chán nản khi nói đến bất động sản.

Trong năm 2012, thị trường bất động sản đã chứng kiến mức giảm giá sâu của rất nhiều nhà đầu tư. Thậm chí có dự án giảm giá 30% như Hoàng Anh River View giảm 28 triệu đồng/m2 – 18 triệu đồng/m2. Giá một số dự án chung cư diện tích nhỏ hiện đang được chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 như căn hộ dự án Quang Thái giá 13,3 triệu đồng/m2, căn hộ diện tích nhỏ 63 m2 giá 870 triệu đồng/căn, căn hộ dự án Long Phụng Apart giá 11,5 triệu đồng/m2...

Hiện nay đã có nhiều dự án tiếp tục giảm giá với giá phù hợp với nhu cầu người dân vẫn có thanh khoản tốt như cụm cao ốc Khang Gia (quận Gò Vấp) với giá từ 11 – 13 triệu đồng/m2; dự án Tên Lửa (quận Bình Tân) với giá từ 11- 12 triệu đồng/m2. Để giải quyết khó khăn doanh nghiệp tiếp tục giảm giá sâu trong khi đó khách hàng lại chờ đợi ở mức giá thấp hơn nữa vì họ cho rằng, thời điểm này vẫn chưa phải là đáy của thị trường BĐS.


Nhiều doanh nghiệp không đủ kiên nhẫn chờ đợi bán để bán nhà thương mại đã chấp nhận bán tháo dự án với giá rẻ nhưng cũng không tìm được nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp chấp nhận để dự án đắp chiếu nằm im chờ đợi như dự án của Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn tạm ngừng dự án 213 Hồng Bàng.

Ngoài ra cũng có không ít doanh nghiệp muốn cứu sống cả mình cả dự án đành phải chấp nhận bán cổ phần của công ty cho đối tác. Như trường hợp Tập đoàn Đất Xanh bán 11% cổ phần của mình cho Việt Á bank. Đổi lại, VietABank sẽ hỗ trợ vay vốn cho khách hàng của Đất Xanh nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người có nhu cầu mua nhà đất.

Thậm chí có những DN còn đau đầu trước việc đối tác đòi được chia cổ phần trong ngành hàng chính nếu đầu tư cho dự án. Đây là điều kiện không hề dễ dàng cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Bởi ẩn phía sau đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà có thể sẽ khiến chính ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp đứng trước rủi ro. Và bài toán thoát khỏi bất động sản của doanh nghiệp trở nên khó khăn và bất khả thi hơn bao giờ hết.

Như dự kiến trong hội nghị nhà đầu tư của Quỹ đầu tư VinaCapital thì trong năm 2013 lĩnh vực bất động sản sẽ không còn là mục tiêu để quỹ này tham gia đầu tư. Vậy nên đầu năm 2013 vừa qua Quỹ đầu tư VinaLand (VinaCapital) cũng công bố chuyển nhượng thành công dự án tại số 30 Nguyễn Du, Hà Nội cho Vinataba. Đây là bước đầu hiện thực hóa kế hoạch đề ra trước đó là thoái lui khỏi thị trường bất động sản.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết hoạt động đầu tư và rút vốn của các quỹ diễn ra rất thường xuyên; mỗi 6 tháng, danh mục đầu tư sẽ được xem xét và có thể được cơ cấu lại nếu thấy cần thiết. hiện nay bất động sản cũng không còn mang lại hiệu quả khi thị trường khá trầm lắng. Vì thế sau khi cam kết không đầu tư thêm VinaLand phân phối toàn bộ số tiền mặt thặng dư do nhà đầu tư trong vòng 3 năm tới.

Vừa qua, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cùng đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng thành phố đi thăm 40 DN BĐS cùng 40 dự án điển hình. Nhiều DN khẳng định, điều mong muốn nhất của họ hiện nay là thoát khỏi thị trường BĐS nhưng muốn chết không được, chết mà cũng không biết chết bằng cách nào, bởi DN còn nợ ngân hàng hàng trăm tỷ đồng thậm chí là vài ngàn tỷ đồng.

Theo TS Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, năm 2013 hết sức nghiệt ngã với thị trường bất động sản nhưng nợ nhiều thì cũng không biết chết như thế nào. Nhiều doanh nghiệp bất động sản mong muốn thoát khỏi thị trường nhưng cũng khó thoát được vì vốn chồng vốn, nợ chồng nợ còn rất lớn. Lãi suất vay cao thậm chí có thêm cả lãi suất phi chính thức. Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 02 là điều các doanh nghiệp mong muốn nhưng hiện tại nghị quyết này vẫn chưa được thực hiện rõ nét.

Riêng về khoản nợ xấu của DN BĐS, theo bà Loan, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại khoản nợ vay cũ đối với DN có khoản nợ vay vài trăm tỷ, hàng ngàn tỷ. Ngân hàng nên hướng nào đó để DN có thể tồn tại, phát triển và trả được món nợ này. Hàng ngàn tỷ nằm đó thì phá sản làm sao được, muốn phá sản không ai cho phá sản. Doanh nghiệp đang như bị sa lầy vào thị trường nhiều khó khăn này.

Nam Phong