Gần đây, một bé gái 12 tuổi ở huyện Banyuwangi (tỉnh Đông Java, Indonesia) bị bố mẹ nuôi ép buộc kết hôn với người đàn ông 45 tuổi để “trả ơn”, theo Vice.

Người đàn ông, đã có 3 vợ, cưới cô bé kém 33 tuổi trong một “siri nikah” hay hôn lễ bất hợp pháp. Dù không được chính phủ hoặc tòa án Hồi giáo công nhận, những đám cưới như vậy vẫn diễn ra nhan nhản ở một số vùng của Indonesia.

Các “đám cưới chui” thường được tổ chức khi một người phụ nữ mang thai ngoài giá thú; người đàn ông đã có vợ ngoại tình; hoặc trong trường hợp này, là một trong hai bên dưới 19 tuổi - độ tuổi được phép kết hôn.

Bố mẹ nuôi của cô bé, thực tế là dì và chú, cho rằng hôn nhân là cách tốt nhất để trả ơn người đàn ông đã giúp họ nuôi nấng em. Tuy nhiên, hai người không hề xin phép bố mẹ ruột của thiếu nữ.

Khi phát hiện, bố mẹ đẻ của cô bé 12 tuổi đã nộp đơn khiếu nại lên trưởng làng và khu phố. Sau đó, sự việc được trình báo lên cảnh sát.

{keywords}
Nạn tảo hôn tồn tại ở nhiều vùng tại Indonesia, gây nhiều tổn hại cho các bé gái bị ép buộc. Ảnh minh họa: Independent.

“Bố mẹ của bé gái trình báo rằng đứa con chưa đủ tuổi của họ đã kết hôn với một ông già. Chúng tôi đang thẩm vấn nạn nhân và nhân chứng”, Arman Syarifudin, Cảnh sát trưởng huyện Banyuwangi, nói.

Imam Ghozali, người giám hộ của nạn nhân, nói với truyền thông địa phương rằng người đàn ông 45 tuổi thường giúp cha mẹ nuôi cô bé trang trải học phí và hóa đơn y tế cho em.

Hiện cảnh sát điều tra thêm để xác định liệu cuộc hôn nhân này có được tiến hành xong xuôi hay chưa.

Dù bất hợp pháp, nạn tảo hôn vẫn xảy ra tràn lan ở Indonesia. Nhiều bậc cha mẹ ép buộc con cái kết hôn sớm để trả nợ.

Tháng trước, ông bố tên Nakha ép con gái nuôi 12 tuổi kết hôn với người đàn ông 44 tuổi. Cuộc hôn nhân được thực hiện theo phong tục truyền thống của người Hồi giáo.

Sau lễ cưới, gia đình cô bé yêu cầu Tòa án tôn giáo quận Pinrang hợp pháp hóa cuộc hôn nhân này, nhưng không được chấp thuận. Tòa án còn cho rằng cuộc hôn nhân chỉ nhằm mục đích che đậy sự thật rằng ông bố đã cưỡng hiếp con gái nuôi của mình.

“Ngay lập tức, chúng tôi đã bắt giữ hung thủ”, ông Dharma Negara, chỉ huy tại Cảnh sát quận Pinrang, cho biết.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, 1,2 triệu trường hợp tảo hôn xảy ra năm 2018.

Tổ chức Trợ giúp pháp lý thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Indonesia đã thúc đẩy việc điều chỉnh Luật Hôn nhân, trong đó có việc nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 19 cho cả nam và nữ.

Trước khi được sửa đổi, nữ giới có thể kết hôn ở tuổi 16. Trong khi đó, các tòa án tôn giáo đôi khi vẫn cho phép trẻ em dưới 19 tuổi kết hôn, miễn là cha mẹ chúng cho phép.

Khotimun Sutanti, đại diện của tổ chức, nhận định các cuộc tảo hôn vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Nhiều cô dâu nhí phải bỏ học sau khi lấy chồng.

Trong khi đó, các bé gái này cũng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và không có quyền bình đẳng với người chồng lớn hơn nhiều tuổi. Điều này thường dẫn đến tổn hại về thể xác.

Các cô dâu nhí cũng có nguy cơ tử vong cao hơn khi sinh nở, bởi cơ quan sinh sản của họ chưa sẵn sàng cho việc quan hệ tình dục và mang thai.

Các cô dâu trong đám cưới bạc tỷ, vàng đeo trĩu cổ giờ ra sao?

Các cô dâu trong đám cưới bạc tỷ, vàng đeo trĩu cổ giờ ra sao?

Sau những đám cưới bạc tỷ, các cô dâu đều có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, đáng ngưỡng mộ.