Ngày 3/2, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thông tin về ca phẫu thuật cho bé gái bị xoắn ruột hoại tử. Bệnh nhân là N.T.T (7 tuổi, ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do xoắn ruột hoại tử.

Mẹ của T. cho biết sau bữa cơm tối, trẻ bất ngờ đau bụng, nôn nhiều. Sáng hôm sau, gia đình đưa trẻ tới cơ sở y tế địa phương thăm khám và chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc tái, phản xạ kém, sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, SPO2 chỉ còn 85%. 

Các bác sĩ chẩn đoán xác định T. bị xoắn ruột, viêm phúc mạc toàn thể và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Kíp phẫu thuật nhận thấy nhiều quai ruột của bệnh nhi tím đen, xoắn, hoại tử và không còn khả năng hồi phục.

Với tình trạng như vậy, các bác sĩ đã tiến hành hút bớt dịch ổ bụng, cắt bỏ các quai ruột hoại tử. Sau hơn 3 giờ, ca phẫu thuật thành công đã giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

BSCKI Phạm Văn Đại, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bốn ngày sau phẫu thuật cắt bỏ hầu như toàn bộ ruột, sức khỏe của T. tiến triển tốt, được tiếp tục chăm sóc trước khi xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Văn Đại, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi, thông tin thêm, xoắn ruột là một dạng bệnh cấp tính gây tắc ruột. 

Hậu quả của tình trạng này xảy ra nhanh và nặng nề, gây ra các rối loạn toàn thân và tại chỗ. Đồng thời, quai ruột và mạch máu mạc treo… bị thắt nghẹt dễ dẫn đến hoại tử, thủng và viêm phúc mạc nếu không được xử trí kịp thời.

“Đây là ca bệnh phức tạp bởi bệnh nhi nhập viện tương đối muộn khi đã có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, mất ý thức và trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu gia đình đưa cháu nhập viện chậm trễ chỉ khoảng một tiếng, rất có khả năng trẻ sẽ tử vong”, bác sĩ Đại cho biết. 

Điều đáng nói do trẻ nhập viện muộn nên các bác sĩ không thể phẫu thuật bảo tồn được toàn bộ ruột cho bệnh nhi. Bởi phần lớn ruột đã bị hoại tử buộc phải cắt bỏ và phải làm hậu môn nhân tạo. 

Hiện tại sức khỏe của cháu T. đang hồi phục tốt, các bác sĩ cũng khuyến cáo người nhà của trẻ về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà. 

“Dự kiến sau khoảng 2 tháng, chúng tôi sẽ thực hiện phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo để trẻ có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt tốt hơn”, bác sĩ cho biết.

Bác sĩ Đại cũng khuyến cáo thêm phụ huynh hoặc người giám hộ khi thấy trẻ có dấu hiệu cấp tính của những bệnh đường tiêu hóa như nôn, đau bụng không rõ nguyên nhân cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời. Bởi các bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ thường diễn biến rất nhanh.