Trao đổi với VietnamNet, ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bện viện Xanh Pôn cho biết, bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga tại Hà Nội đã tử vong lúc 13h30 chiều nay do sốc nhiễm khuẩn.

Hiện tại, đại diện xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây nơi cháu bé bị bỏ rơi đang qua Bệnh viên Xanh Pôn để làm thủ tục đón nhận bé. Phía bệnh viện cũng phối hợp với công an phường Điện Biên để hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga đã tử vong

Bé Nguyễn Văn An đã không qua khỏi sau 3 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện

 

Bé Nguyễn Văn An bị mẹ đẻ bỏ rơi từ tối 6/6 tại hố ga bỏ hoang thuộc xã Thanh Mỹ. Những ngày đó, nhiệt độ Hà Nội liên tục nắng nóng 40 độ C. Đến chiều 8/6, bé được người dân địa phương tìm thấy trong tình trạng nguy kịch, dòi, kiến bu khắp người, dây rốn đã bị ăn cụt.

Bé được chuyển vào Trạm y tế xã Thanh Mỹ cấp cứu, lau rửa qua 3 chậu nước vẫn chưa hết giòi. Chiều tối cùng ngày, bé được chuyển đến BV đa khoa Sơn Tây điều trị, trước khi chuyển đến BV Xanh Pôn.

BS Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Nhi sơ sinh, BV Xanh Pôn cho biết, ngay từ thời điểm nhập viện, bé đã trong tình trạng nặng do nhiễm khuẩn huyết. Sau đó bé rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, xẹp phổi trái.

Khi tình trạng sốc nhiễm khuẩn được kiểm soát, tình trạng hô hấp của bé lại rất kém do đáy phổi đông đặc. Bệnh nhi liên tục phải thở máy từ khi vào viện.

Do nhiễm vi khuẩn gram âm kháng hầu hết với các loại kháng sinh, nhiễm khuẩn huyết vẫn không được kiểm soát nên tiên lượng rất khó khăn. Cách đây 3 ngày, bác sĩ thông báo, bệnh nhi vẫn có nguy cơ bị sốc nhiễm khuẩn trở lại bất cứ lúc nào.

Ông Hùng cho biết, trong suốt 3 tuần nhập viện, không có bất kỳ người thân nào của bé đến nhận bé, trong khi có rất nhiều nhà hảo tâm muốn nhận bé làm con nuôi. Toàn bộ chi phí điều trị cho bé được BHYT thanh toán và bệnh viện hỗ trợ.

Thúy Hạnh

Bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga phổi đông đặc, vẫn đang nguy kịch

Bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga phổi đông đặc, vẫn đang nguy kịch

Bé trai bị bỏ rơi dưới hố ga ở Hà Nội vẫn trong tình trạng rất nặng, đáy phổi bị đông đặc và kháng nhiều loại kháng sinh.