Tập trung phát triển 4 nhóm nhân lực
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và năm 2045 là một trong những đột phá có tầm quan trọng đặc biệt.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành các đề án và kế hoạch phát triển để tổ chức thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh. Trong đó xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Nhằm tạo thế đột phá mới trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bến Tre tập trung phát triển 4 nhóm nguồn nhân lực chủ yếu là nguồn nhân lực trong khu vực công, nguồn nhân lực sự nghiệp, nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế và nguồn nhân lực trong xã hội.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân, đào tạo chủ doanh nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã để quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo trên địa bàn cũng tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vục giáo dục, đào tạo, dạy nghề.
Bến Tre cũng tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học, đào tạo nghề có chuyên môn kỹ thuật cao. Quan tâm phát triển nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, công nghiệp chế biến thủy sản... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tăng cường công tác dự báo diễn biến nguồn nhân lực
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo ước đạt 7.690 người, đạt 69,9% kế hoạch năm, giảm 0,97% so cùng kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, thời gian tới, cùng với việc thường xuyên rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, Bến Tre sẽ tăng cường công tác dự báo diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo tính toán, đến năm 2025, nguồn lực lao động của tỉnh tham gia hoạt động kinh tế là khoảng 860.272 người và tầm nhìn đến năm 2030 là khoảng 871.782 người. Lao động qua đào tạo đến năm 2025 khoảng 602.190 người, chiếm tỷ lệ 70%.
Tỉnh cũng quan tâm cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Bến Tre.
Trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cùng với việc nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, đảm bảo người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Bến Tre để cống hiến, sáng tạo, góp phần đưa Bến Tre ngày càng phát triển.
Cùng với đó, đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Giai đoạn 2020 - 2025, mỗi năm tỉnh phấn đấu đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tổ chức thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiêp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kĩ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số.
Hàng năm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài đào tạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cần liên kết với các trường đại học kỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ở bậc đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số, đặc biêt là khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data). Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và kinh doanh; đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học.
Đưa kỹ năng chuyển đổi số vào các chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số.
Thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; đào tạo các ngành trọng điểm, ngành phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là ngành phục vụ phát triển kinh tế biển. Ứng dụng chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn; đào tạo gắn với giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Nguyễn Nhiên