Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông tin, hiện nay diện tích dừa của Bến Tre hơn 79.000ha, lớn nhất cả nước.

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.

W-bentre.png
Diện tích dừa của Bến Tre hơn 79.000ha, lớn nhất cả nước.

Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa,… Các sản phẩm từ dừa giúp Bến Tre thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm.

Với mục tiêu phát triển bền vững cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre, tại hội thảo, các chuyên gia trong, ngoài nước đã trao đổi các chuyên đề về phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành dừa; ngành dừa Bến Tre tham gia nền kinh tế carbon thấp; chính sách phát triển bền vững ngành dừa như: Xác định khả năng hấp thụ CO2 từ dừa; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống dừa hướng đến sự phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tiềm năng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long; thị trường tín chỉ các-bon: kinh nghiệm quốc tế và khung chính sách của Việt Nam; phát triển liên kết vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; định hướng ngành dừa tham gia chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hướng tới mục tiêu net zero…