Trong tham luận gửi tới diễn đàn Diễn đàn: “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức mới đây, ThS. Võ Văn Ngoan, Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre cho biết: Trong năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại các hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn là khoảng 1.150 tấn/ngày. Khối lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển đưa về cơ sở xử lý tập trung (bãi chôn lấp rác thải và Nhà máy xử lý rác thải) khoảng 400 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị là khoảng 280 tấn/ngày chiếm 82% và tại khu vực nông thôn khoảng 120 tấn/ngày chiếm khoảng 14%. 

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng CTRSH ngày càng tăng và nhanh chóng trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra các chỉ tiêu cho ngành tài nguyên và môi trường là đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.  

27. Bến Tre.jpg
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đặt ra chỉ tiêu: Đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.  

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện, 100% các xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn. Công tác triển khai phân loại CTRSH tại nguồn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả của phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt được như mong muốn, tỷ lệ phân loại CTRSH tại các hộ gia đình, cá nhân chỉ đạt khoảng 25% tính đến cuối năm 2023. 

Theo ThS. Võ Văn Ngoan, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp tại các bãi chôn lấp rác thải, chiếm tỷ lệ hơn 90%. Toàn tỉnh có 05 bãi chôn lấp rác thải đang hoạt động. Trong đó, có 02/05 bãi chôn lấp rác đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và 03/05 bãi chôn lấp rác chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đang trong tình trạng quá tải, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa hàng năm.

Phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu về quản lý CTRSH theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đã đặt ra giải pháp tổng thể lâu dài là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng; quy hoạch và đầu tư Khu liên hợp xử lý CTR của tỉnh, từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải cấp huyện chuyển thành trạm trung chuyển, vận chuyển rác thải các Khu liên hợp để xử lý. Khu liên hợp xử lý CTR tập trung với quy mô, công suất và công nghệ phù hợp, đảm bảo nhu cầu xử lý hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh sẽ tiếp tục tích hợp nội dung quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, huyện; trong đó bổ sung mạng lưới các Trạm trung chuyển rác, các điểm tập kết rác thải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. 

Bên cạnh đó là tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH; đảm bảo chi sự nghiệp môi trường ít nhất 1% tổng chi cho ngân sách hằng năm và từng bước tăng dần qua các năm. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH. Tỉnh cũng có kế hoạch và từng bước triển khai hiệu quả chương trình phân loại CTRSH tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTRSH kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường.