Lorong Buangkok là ngôi làng truyền thống duy nhất còn lại ở đất nước này. Người dân địa phương còn gọi nó là “Kampong”.
Ngôi làng nằm trên mảnh đất rộng 12.248 m2 được mua bởi người đàn ông tên là Sng Teow Koon vào năm 1956. Ngày nay, nó có thể trị giá tới 52 triệu USD.
Con gái của Sng là Mui Hong hiện sở hữu ngôi làng, được bao quanh bởi những căn hộ cao tầng và những ngôi nhà gỗ hiện đại.
Ấn tượng ban đầu, Kampong trông giống như một ngôi làng từ giữa những năm 1900, với những ngôi nhà làm bằng gỗ với mái kẽm. Nhưng nhiều cư dân sống ở đây lại đang sử dụng những công nghệ mới nhất, bao gồm xe hơi sang trọng, wifi tốc độ cao và tivi thông minh.
Mui nói: “Cư dân ở đây không nghèo - nhà nào cũng có xe hơi”. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng “chúng tôi muốn giữ gìn văn hóa truyền thống”.
Nhiều người dân sống trong những ngôi nhà mái tôn, vốn phổ biến ở các Kampong trên khắp Đông Nam Á. Nhà Attap là kiểu nhà truyền thống của người Mã Lai với mái tranh làm bằng lá cây và kẽm.
Theo các giáo sư từ Đại học Putra Malaysia, kiểu kiến trúc này được lựa chọn nhiều vì hệ thống thông gió tự nhiên làm mát ngôi nhà bất chấp thời tiết nhiệt đới thường hay nóng nực.
Ở đây, nhiều cư dân sống trong những ngôi nhà truyền thống nhưng cuộc sống của họ không khác gì những người Singapore bình thường. Một số làm công việc văn phòng ở trung tâm thành phố. Nhiều người mua hàng hoá từ các siêu thị địa phương.
Những ngôi nhà không phải lúc nào cũng có hàng rào - cư dân bắt đầu rào tài sản của họ vào cuối những năm 2000.
Dân làng xây hàng rào để bảo vệ mình khỏi những kẻ xâm nhập, hướng dẫn viên du lịch tên Kyanta Yap nói. Yap đã dẫn khách đi tham quan ở Kampong trong hơn 1 năm.
Yap cho biết những người bên ngoài - bao gồm các đại lý bất động sản và các nhà báo - bắt đầu xâm nhập vào khu vực này sau khi các báo cáo địa phương nói rằng khu đất trị giá ít nhất 22 triệu USD vào năm 2007. Một số người dùng mạng xã hội thậm chí đã vào một số ngôi nhà để chụp ảnh đăng lên Instagram của họ.
“Theo truyền thống, dân làng tin vào ‘Gotong royong’, một ý thức cộng đồng mạnh mẽ về việc không có ranh giới giữa các ngôi nhà”, Yap nói. “Nhưng bây giờ họ khóa cửa và cổng nhà vì quá nhiều người đã xâm nhập vào Kampong”, anh nói thêm.
Trong khi Singapore là quốc gia đắt đỏ thứ 2 trên thế giới về giá thuê bất động sản, Mui thu phí cư dân chưa đến 13 USD một tháng. Và trong khi hầu hết các căn hộ chung cư ở Singapore đều có diện tích nhỏ - trung bình 90m2, thì những căn hộ ở đây lại rộng rãi với sân sau lớn.
Yap cho biết, không phụ thuộc quy mô của bất động sản, Mui tính phí người thuê từ 3 đến 10 USD một tháng. Cha cô bắt đầu cho thuê với giá này vào những năm 1950 và 1960, và Mui đã từ chối tăng giá.
Trong khi đó, giá thuê hàng tháng cho một ngôi nhà ba phòng ngủ ở Singapore thấp nhất là 2.900 USD/tháng.
Vì nhiều cư dân là người Mã Lai nên Kampong có “Surau”, một nơi thờ cúng của người Hồi giáo. Tại Singapore, 13,2% dân số là người Malay, đa số theo đạo Hồi. Một nửa số cư dân ở Kampong là người Malay theo đạo Hồi, Yap nói.
Cư dân của Kampong đã xây dựng “Surau” vào những năm 1960. Tòa nhà này là ngôi nhà thờ cúng duy nhất ở Kampong, có sức chứa lên đến 200 người. Surau không chỉ phục vụ những cư dân Hồi giáo của Kampong mà còn cả người Hồi giáo sống ở những nơi khác.
Trong khi Kampong có cảm giác như một thế giới khác với phần còn lại của Singapore, thì những căn hộ chung cư cao chót vót gần đó là một lời nhắc nhở liên tục về vị trí thực sự của nó: ở giữa một thành phố hiện đại.
Các anh chị của Mui đã chuyển ra khỏi Kampong để sống trong các căn hộ cao tầng gần đó. Và số lượng cư dân ở Kampong cũng đã giảm từ 40 xuống còn 25 gia đình.
Theo báo cáo của địa phương, chính phủ có kế hoạch tái phát triển Kampong. Tuy nhiên, một số nhóm đã vận động để bảo tồn nó.
Trong khi tương lai của Kampong vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi ở Singapore thì Mui vẫn ở đây - nơi duy nhất mà cô gọi là nhà.
“Tôi thích chăm sóc ngôi làng, tôi đảm bảo rằng mọi người đều ổn. Chỉ cần tôi làm điều tốt, ông trời sẽ bảo vệ tôi”.
Đăng Dương (Theo Insider)