- Đi làm về, nhìn thấy chậu bát ngổn ngang, nồi cháo chim mới thổi hồi sang cho con gái đang ốm bị vét sạch chỉ còn lại độ một thìa, tôi bất giác chảy nước mắt. Cùng là phận con, sao bà nỡ đối xử với tôi như vậy.
TIN BÀI KHÁC
Tôi lấy chồng khi không còn trẻ trung, đã bước qua độ tuổi 30. Mẹ chồng lại là người cổ hủ. Khi về ra mắt, bà quét ánh mắt khỉnh khỉnh nhìn tôi từ đầu đến chân, không ngại ngần buông câu nói phũ phàng ngay trước mặt “Tầm tuổi này, đẻ khó nhỉ. Liệu cháu có sinh được quý tử cho thằng T. không mà yêu nó?”
Tôi biết bà không ưa gì mình, nhưng bởi bà cũng không cương quyết phản đối nên chúng tôi cũng đến được với nhau. Đám cưới, bố mẹ hồi môn cho một cây vàng, tôi không dám giữ riêng, phải mở lời nhờ gửi gắm mẹ chồng, mong bà rộng lượng với mình.
Quả thật, đã không ưa ngay từ đầu, thì về làm dâu cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ. Mẹ chồng ghét con dâu ra mặt, đối xử với tôi chẳng khác gì người dưng, thậm chí như osin trong nhà, nhưng lại sẵn sàng nhảy đổng chửi bới thông gia nếu họ có lỡ lời khiến con gái ruột bà ấm ức.
Chị chồng là tiểu thư chính hiệu, do được chiều chuộng từ nhỏ, cộng thêm lấy được người đàn ông hiền lành, tử tế nên luôn tỏ ra kiêu kỳ, lười biếng và ỷ lại. Chị sống trong căn hộ ngay gần nhà chúng tôi, cũng vì ông bà quá thương con gái mà không nỡ cho đi ở xa. Chính vì ở gần như vậy, nên tôi mới phải chịu cảnh khổ sở trăm bề.
Mẹ chồng tôi là người ích kỷ, chỉ biết đến con gái mình (Ảnh minh họa) |
Cứ mỗi cuối tuần, chị chồng lại đưa các con về nhà mẹ đẻ chơi hai ngày. Tôi đi làm quần quật cả tuần, chỉ mong được nghỉ ngơi thì lại nai lưng ra nấu nướng, dọn dẹp. Nấu chưa xong, chị lên mặt quát tháo, đồ ăn không hợp khẩu vị, chị gẩy gót chê ỏng chê eo khiến mẹ chồng xuýt xoa, quay sang đay nghiến tôi.
Tôi biết, mình không thể so sánh với con đẻ nhà người ta, nhưng đôi lúc cảm thấy ấm ức vô cùng. Đồ ăn thức uống mua trong tủ lạnh, mẹ chồng hồn nhiên lấy ra nấu nướng đem mang cho con gái. Với bà, con gái là vàng là ngọc, con dâu chỉ như bát nước đổ đi, “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”.
Tôi sinh được con đầu lòng là gái, bà mỉa mai bảo “đồ không biết đẻ”. Con tôi chưa được một tuổi, bà đã bắt gửi đi nhà trẻ vì ở nhà “làm vướng chân”. Từ ngày cháu sinh ra, chưa một lần bà ẵm bế hay tỏ ý yêu thương. Trong khi đó, với cháu ngoại, bà cung cúc tận tụy như thể đó mới là dòng máu chính thống của gia đình.
Dù bận con mọn, nhưng tôi vẫn phải làm quần quật suốt ngày vì mẹ chồng không đụng tay chân vào bất cứ việc gì. Có hôm đi làm về, nhìn thấy chậu bát ngổn ngang, nồi cháo chim mới nấu hồi sáng cho con gái đang ốm bị vét sạch chỉ còn lại độ một thìa, tôi bất giác chảy nước mắt. Cùng là phận con, sao bà nỡ đối xử với tôi như vậy.
Cho đến tuần vừa rồi, thật sự mọi chuyện quá sức chịu đựng. Chị chồng đi chơi xa về bị cảm nắng, mẹ chồng tôi sốt sắng cơm nước, bắt tôi chuẩn bị đủ thứ. Nhưng trùng hợp, hôm ấy tôi cũng bị sốt cao, thậm chí phải xin nghỉ làm. Thấy con dâu ở nhà, bà ra sức sai vặt. Mặc tôi sốt 39 độ, bà vẫn bắt phải đi chợ mua chim, mua tim về tần cho con gái. Tôi cố gắng gượng dậy, chưa ra đến chợ thì ngất ngay giữa đường.
Mọi người bắt đầu làm ầm ĩ, bàn tán xôn xao. Thay vì thấy hối hận, mẹ chồng tôi lại lu loa rằng tôi cố tình làm bà mất mặt. Bà nói nếu chồng tôi không chịu li dị, bà sẽ từ mặt người con trai bất hiếu. Chị chồng nhân dịp này cũng xỉa xói, chửi bới không ngừng.
Thương chồng đứng giữa phải chịu cảnh khó xử, xuất viện rồi tôi thu xếp mang con đến nhà bố mẹ đẻ sống. Chồng tôi hiền lành, thương vợ nhưng lại là người con có hiếu, không biết anh sẽ làm thế nào để giải quyết sự việc phức tạp lần này đây. Tổ ấm của hai vợ chồng chưa bao giờ mong manh đến thế.
Hải Hường
Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn