Ngày 23/6, Ủy ban Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có cuộc họp đầu tiên về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Các thành viên của ủy ban có thể công bố quyết định liệu vụ bùng phát đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định, không thể bỏ qua nguy cơ lây lan của đậu mùa khỉ ở cả các nước không có dịch.
Cụm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi xuất hiện ở Vương quốc Anh hơn 6 tuần trước. Đó là một gia đình gồm 3 người không có lịch trình đi tới các nơi có nguy cơ ở châu Phi trong thời gian gần đây.
Tới nay, cả thế giới đã ghi nhận hơn 3.200 bệnh nhân gồm 1 ca tử vong tại 48 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sự bùng phát ở các quốc gia mới bị ảnh hưởng chủ yếu ở nam giới quan hệ đồng giới, những người có bạn tình hoặc nhiều bạn tình.
Tổng giám đốc WHO đã đưa ra 4 cảnh báo về đậu mùa khỉ:
Thiếu hiểu biết
“Sự lây truyền từ người sang người đang diễn ra và có thể bị đánh giá thấp. Tại Nigeria, tỷ lệ phụ nữ bị ảnh hưởng cao hơn nhiều so với những nơi khác. Điều quan trọng là phải hiểu rõ hơn về cách dịch bệnh lây lan ở đó”, ông Tedros nói.
Trong năm 2022, gần 1.500 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ và khoảng 70 ca tử vong đã được ghi nhận ở Trung Phi, chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Rất ít trường hợp trong số này được xác nhận, rất ít thông tin về hoàn cảnh của họ.
Chia sẻ thông tin, cứu mạng người
Người đứng đầu WHO đã nêu ra một số yêu cầu của các quốc gia thành viên về việc chia sẻ thông tin. Ông Tedros nói trong một số vụ bùng phát khác, "đôi khi chúng tôi thấy hậu quả của việc các quốc gia không minh bạch, không chia sẻ thông tin".
Ông kêu gọi tìm kiếm ca bệnh, truy vết, điều tra trong phòng thí nghiệm, giải trình tự bộ gen và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm.
Người đứng đầu WHO cho biết tất cả các quốc gia phải “cảnh giác và tăng cường năng lực để ngăn chặn sự lây truyền của đậu mùa khỉ. Có khả năng là nhiều quốc gia sẽ bỏ qua cơ hội xác định các trường hợp, bao gồm cả những ca trong cộng đồng không có bất kỳ chuyến đi nào gần đây”.
Mục tiêu của WHO là hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn sự lây truyền và bùng phát bằng các biện pháp y tế công cộng bao gồm giám sát, truy tìm tiếp xúc và cách ly người bệnh.
Rủi ro đối với nhân viên y tế
Ông Tedros cho biết, nhân viên y tế có thể gặp rủi ro nếu không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp.
Vì vậy, mặc dù cho đến nay, hầu hết các ca bệnh ở những quốc gia mới bị ảnh hưởng là nam giới có quan hệ đồng giới, WHO đã kêu gọi tăng cường giám sát trong cộng đồng rộng lớn hơn.
Giải quyết sự kỳ thị, sai lệch thông tin
Ông Tedros cho biết, điều quan trọng là phải giải quyết tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và thông tin sai lệch, trong bệnh đậu mùa khỉ và các đợt bùng phát khác, một cách nhanh chóng và dứt khoát.
An Yên (Theo UN)