Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Italia, tiến sĩ Sergio Canavero thông báo, một bệnh nhân người Trung Quốc sẽ trải qua ca cấy ghép đầu người lần đầu tiên trên thế giới vào tháng 12/2017, nếu ông và các cộng sự nhận được sự ủng hộ và tiền tài trợ.
Tiến sĩ Sergio Canavero hy vọng được ủng hộ và tài trợ để thực hiện ca cấy ghép đầu người lần đầu tiên trên thế giới ở Trung Quốc vào tháng 12/2017. Ảnh: BI |
Ông Canavero tiết lộ trên báo Times of India rằng, công nghệ và đội ngũ nhân lực phục vụ ca phẫu thuật mang tính đột phá nói trên đã sẵn sàng. Điều đó đồng nghĩa, các trở ngại còn lại cho việc thực hiện ca phẫu thuật này là tài trợ và sự phê chuẩn về mặt đạo đức.
Vị bác sĩ người Italia cũng lạc quan cho rằng, bệnh nhân có thể phục hồi khả năng đi đứng trong vòng một năm sau phẫu thuật.
"Chúng tôi đang xem xét một ngày quanh dịp Giáng sinh năm 2017 để tiến hành ca cấy ghép (đầu người) ở Trung Quốc. Nhóm chuyên gia người Trung Quốc đã thử nghiệm trên tử thi để cải tiến công nghệ", tiến sĩ Canavero tiết lộ.
Tiến sĩ Canavero nói thêm rằng, bệnh nhân đầu tiên của ông sẽ là người Trung Quốc, dù trước đây từng tuyên bố là Valery Spiridonov, một chuyên gia công nghệ người Nga mắc chứng tiêu mòn cơ hiếm gặp.
Ông Canavero giải thích anh Spiridonov sẽ không thể nhận một cơ thể hiến tặng tại Trung Quốc vì các lí do sinh học và đạo đức.
Dù thừa nhận ca phẫu thuật tiềm ẩn rủi ro rất cao, nhưng ông Canavero tin sự thành công phụ thuộc vào việc làm lạnh cả người hiến tặng cơ thể và bệnh nhân ghép đầu xuống 12 độ C, để các tế bào không chết vì thiếu oxy trong quá trình phẫu thuật.
Theo ông, việc làm mát sẽ tạo ra đủ thời gian cho các bác sĩ cắt mô xung quanh mỗi cổ người và nối các mạch máu chính thông qua những ống nhỏ.
Một khi đầu đã được nối liền, bệnh nhân sẽ được giữ ở tình trạng hôn mê trong nhiều tuần "để hạn chế cử động của đầu mới nối, trong khi các điện cực kích thức tủy sống củng cố vững chắc các kết nối mới của nó".
Khi bệnh nhân tỉnh dậy sau hôn mê, họ sẽ có thể cử động và nói giọng như trước kia ngay lập tức, và sau quá trình hóa vật lý trị liệu tích cực sẽ đi lại được trong vòng 1 năm sau phẫu thuật.
"Rủi ro là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, các rủi ro có thể được kiểm soát trong dạng phẫu thuật này", ông Canavero quả quyết.
Vị bác sĩ đầy tham vọng tiết lộ, đồng nghiệp người Trung Quốc của ông - chuyên gia Xiaoping Ren - đã thực hiện thành công ca cấy ghép đầu động vật trên một con khỉ hồi tháng 1/2016.
Theo ông Canavero, con khỉ đã sống sót qua ca phẫu thuật mà không bị bất kỳ tổn thương thần kinh nào, nhưng nhóm nghiên cứu đã buộc phải chấm dứt sự sống của nó sau 20 tiếng đồng hồ vì các lí do đạo đức.
Tuy nhiên, ca phẫu thuật ghép đầu khỉ nói trên không được coi là "toàn diện", do nhóm thực hiện đã không cố gắng nối tủy sống và con vật sẽ bị bại liệt hoàn toàn.
Phẫu thuật ghép đầu người đã trở thành chủ đề thu hút dư luận thế giới vào năm 2013, sau khi anh Spiridonov, 30 tuổi, người mắc chứng bệnh Werdnig-Hoffman hiếm gặp, tự nguyện làm đối tượng thí nghiệm đầu tiên cho bác sĩ Canavero.
Ca phẫu thuật đầu tiên kiểu này được dự kiến diễn ra tại Đại học Y Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc với chi phí khoảng 11 triệu USD và thời gian tiến hành là 36 tiếng đồng hồ.
Theo ông Canavero, lí do ca phẫu thuật sẽ diễn ra đầu tiên tại Trung Quốc là vì “Trung Quốc muốn giành giải Nobel. Họ muốn chứng tỏ mình là một cường quốc khoa học".
Ông Canavero dự định sẽ công bố nhóm tham gia phẫu thuật cấy ghép đầu người quốc tế của mình, gồm cả các bác sĩ đến từ Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, tại một hội nghị của các chuyên gia phẫu thuật thần kinh ở Maryland, Mỹ vào tháng sau.
Tuấn Anh (Theo RT)