Theo những kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam là 4,2% ở người trên 40 tuổi. Số người mắc bệnh này đang tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường gia tăng.
2,2% người dân Việt từ 15 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe toàn cầu, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại.
Ông Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Bệnh khiến 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu.
Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do bệnh COPD là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh COPD sẽ tăng gấp 3 - 4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020, bệnh sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
Một buổi truyền thông, tư vấn về bệnh COPD ở Bệnh viện Bạch Mai thu hút nhiều người tham dự. |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết, thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Tại ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế vừa tổ chức, GS.TS. Ngô Quý Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phó trưởng ban thường trực điều hành dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho biết theo kết quả trong nghiên cứu điều tra dịch tễ học tại Việt Nam năm 2009, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam là 4,2% ở người trên 40 tuổi.
Một nghiên cứu của nhóm các bác sỹ gia đình châu Á năm 2105 nhận định Việt Nam là nước có tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 9,4% và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong, và các gánh nặng kinh tế cho gia đình.
COPD - bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể phòng ngừa
Các chuyên gia khẳng định phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến trình bệnh, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ.
Các cơ sở y tế cần đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến; triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh.
Theo tính toán, khoảng 90% các ca mắc bệnh COPD là do hút thuốc lá (chủ động và thụ động). Còn lại là do các các yếu tố nguy cơ khác như: môi trường làm việc nhiều khói bụi, di truyền, tuổi cao... Để dự phòng bệnh cần bắt đầu dự phòng các yếu tố nguy cơ.
Đối với những người mắc bệnh COPD, để quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bao gồm các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Quan trọng nhất, người bệnh cần phải lạc quan, kiên trì, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và từ năm 2016 đến nay là các chương trình mục tiêu y tế dân số để đầu tư các nguồn lực cho phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025.
Trong đó, đề ra những mục tiêu cụ thể như: Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng. Hạn chế tình trạng tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại quyết định số 1092/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống còn 37%, và còn 32.5% vào năm 2030. Cùng đó, giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà từ 50% xuống 40% trong giai đoạn từ 2025 -2030; còn tại nơi làm việc, con số này là 40%-30%. Chương trình cũng đặt mục tiêu tới năm 2025, 95% trạm y tế cấp xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, nâng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2030. 90% người dân được được quản lý, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng vào năm 2025. |
Lệ Thanh