Xem video:

Hai năm qua, cứ đều đặn sáng thứ 3 hàng tuần, các thành viên trong chi hội phụ nữ khu dân cư số 15 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có mặt tại ngôi nhà số 137 đường Nguyễn Công Hoan để nấu bếp cơm 0 đồng phát cho người khó khăn.
Từ sớm họ đã có mặt, phân chia mỗi người một công việc từ soạn rau củ, nấu cơm, kho thịt... Đều đặn sẽ có hơn 100 suất cơm 0 đồng gửi đến bà con khó khăn vào mỗi thứ 3 hàng tuần
"Khu dân cư chúng tôi có tổng cộng 100 hội viên. Trong sinh hoạt hằng ngày mọi người sẽ cùng nhau phân loại rác. Định kỳ hàng tuần sẽ tập hợp về nhà tôi để tiến hành phân loại tiếp ra những loại rác có thể bán được như lon nước ngọt, bìa carton, sắt thép vụn… từ đó bán lấy tiền duy trì bếp ăn", bà An chia sẻ.
Bà An cho biết thêm, trung bình mỗi tháng số tiền thu được từ việc bán rác tái chế là 6 đến 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số mạnh thường quân thấy hoạt động ý nghĩa đã cùng chung tay để ngày càng có nhiều suất ăn cho người khó khăn.
Bếp ăn 0 đồng của chi hội phụ nữ khu dân cư số 15 hiện nay có 20 thành viên chia nhau tham gia nấu, trong đó có một số sinh viên. Bà Phan Thị Xuân An (Chi hội trưởng phụ nữ khu dân cư số 15) cho biết, mô hình suất cơm 0 đồng không phải là mới. Nhưng điểm khác biệt của hội ở cách tạo ra nguồn quỹ, thay vì chỉ đi kêu gọi sự giúp sức từ các mạnh thường quân, họ kiếm tiền nhờ phân loại rác thải. 
Trần Văn Huy (sinh viên năm 2, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: "Tháng 10/2021, qua mạng xã hội em biết được các cô nấu bếp cơm thiện nguyện. Thấy ý nghĩa em đã xin tham gia, ngoài em còn có một số bạn nữa, hôm nào rảnh là đến giúp".
Từng suất cơm đủ chất được đóng hộp để phát tận tay người khó khăn.
Hai năm qua, bếp ăn 0 đồng của chi hội phụ nữ 15 trở nên quen thuộc với những người bán vé số dạo, xe ôm, ve chai...cứ đến 10h30 ngày thứ 3 họ có mặt xếp hàng nhận cơm. Lợi nhuận những người nấu ăn thu về là nụ cười hạnh phúc và lời cảm ơn.
Bà Nguyễn Thị Mai (76 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, bà ra Đà Nẵng thuê trọ đi nhặt ve chai. Với bà, thứ 3 được xem là ngày hạnh phúc, bởi đây là ngày bà sẽ không phải lo đến miếng cơm manh áo. "Biết tôi khó khăn mọi người phát 2 phần để ăn nguyên ngày, như vậy là bớt được 40.000 đồng, bằng một buổi sáng tôi đi khắp nơi nhặt ve chai. Quý lắm, tuần nào tôi cũng đến đây nhận cơm và nước uống cả", bà Mai vui mừng khi cầm trên tay suất cơm vừa nhận.
"Cơm ở đây ngon lắm, tuần nào chúng tôi cũng đến nhận mà không mất tiền. Mong sao sẽ có nhiều bếp ăn 0 đồng để giúp người lao động khó khăn", bà Lê Thị Lợi nói.